Quy hoạch vốn “treo” năm này đến năm nọ, chừng có chủ đầu tư thì dự án lại “treo” năm nọ đến năm kia khiến quyền lợi của các chủ nhà, đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tiếng là Nhà nước có những chính sách bảo đảm hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của người có nhà, đất trong địa bàn quy hoạch nhưng thực tế chưa được vậy. Chỉ cần “bị” quy hoạch, lập tức nhà, đất rớt giá ngay. Kéo theo đó là đủ cái không ập xuống những người trong khu vực: không được cấp giấy chứng nhận, không được mua bán, chuyển nhượng, không được xây dựng và cả không được… bồi thường. Để rồi nhiều gia đình từ đời cha đến đời con ở không xong, đi cũng không được. Những thiệt hại về vật chất, tinh thần phát sinh từ các dự án “treo” ai cũng thấy nhưng không dễ tính toán để có sự bù đắp thỏa đáng.
Điều gì xảy ra ở 20 dự án tại khu đô thị mới Nam TP vừa được xóa “treo”, có nhiều dự án đã được chấp thuận địa điểm đầu tư cách đây 12 năm, qua nhiều lần gia hạn nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện.
Cần biết rằng mười mấy năm kéo dài của chủ đầu tư do vướng khâu giải phóng mặt bằng cũng là mười mấy năm dân tình sống dở chết dở. Có thể chủ đầu tư có những lý do khách quan để nhiều lần xin gia hạn dự án nhưng chính quyền đâu thể nào “treo” hoài quyền lợi của dân.
“Sau khi xóa “treo”, người dân sẽ được khôi phục tất cả quyền về nhà, đất theo luật định. Đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải làm”. Nhiều người tin vào khẳng định của Giám đốc Sở TN&MT Đào Anh Kiệt. Song mọi người cũng mong muốn việc rà soát, điều chỉnh từng dự án “treo” hay từng quy hoạch thiếu khả thi phải được các nơi làm thường xuyên, hằng tháng, hằng quý, hằng năm để những quyền lợi sát sườn của dân không bị “treo”.
THU TÂM