• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
0
1
9
0
8
Tin tức sự kiện 31 Tháng Mười Hai 2013 3:15:00 CH

Quản lý chất thải bệnh viện: Đang “buông lỏng”?

(TN&MT) - Khi nhu cầu khám chữa bệnh của con người càng tăng thì rác thải y tế cũng không ngừng phát triển. Trong khi đó, không ít các bệnh viện chỉ lo vào công tác khám chữa mà thiếu đi sự quan tâm đến công tác xử lý môi trường.
“Mua trâu tiếc sợi dây thừng”
 
Có một thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện kể cả các tuyến Trung ương và địa phương mải lo đầu tư mua sắm trang thiết bị và mở rộng cơ sở, dịch vụ khám chữa bệnh mà “quên đi” việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Một số nơi dù đã có hệ thống xử lý nước thải lại lơ là, buông lỏng trong việc vận hành và bảo trì hệ thống dẫn đến quá tải, xuống cấp rồi ngừng hoạt động.
 
 
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, khoảng 95,6% bệnh viện đã thực hiện phân loại và 90,9% bệnh viện đã thu gom hàng ngày. Tuy vậy, tỷ lệ bệnh viện có nơi lưu giữ chất thải y tế đảm bảo yêu cầu vệ sinh theo quy định mới đạt khoảng 45,3% tổng số bệnh viện trong toàn quốc.
 
Việc xử lý và tiêu hủy chất thải rắn y tế nguy hại hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện mới có 73,3% bệnh viện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng các lò đốt, nhưng công nghệ đốt hiện đại mới chỉ được áp dụng tại một số bệnh viện lớn, còn lại 26,7% bệnh viện thiêu đốt chất thải y tế nguy hại ngoài trời hoặc chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện hoặc bãi chôn lấp chung của địa phương.
 
Cũng theo thống kê chưa đầy đủ, lượng chất thải lỏng phát sinh tại các cơ sở y tế vào khoảng 150.000 m3/ ngày đêm, dự kiến đến năm 2015, lượng này lên tới 300.000 m3/ ngày đêm. Hiện có khoảng 74% các bệnh viện tuyến Trung ương, 40% các bệnh viện tuyến tỉnh và 27% các bệnh viện tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, các hệ thống này sử dụng những phương pháp đã cũ như: Lọc sinh học nhiều tầng, Aeroten truyền thống, ao sinh học, lọc sinh học nhỏ giọt... đã xuống cấp, không còn đảm bảo quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
 
Nguồn thải... nguồn gây bệnh
 
Các chuyên gia môi trường cho rằng, nước thải từ các bệnh viện chưa qua xử lý là vấn đề gây bức xúc cho người dân vì nó gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt. Rác thải được chôn lấp, nước xả ra môi trường sẽ thẩm thấu, lâu ngày có thể ảnh hưởng đến mạch nước ngầm được con người sử dụng trong sinh hoạt thường ngày.
Đơn cử như Hà Nội, có trên 60 bệnh viện trực thuộc thành phố, bao gồm 40 bệnh viện công và 20 bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, chỉ có 14/40 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải rắn, 15 đơn vị đã có hệ thống xử lý chất thải lỏng hoàn chỉnh theo công nghệ lắng lọc. Lượng chất thải từ các bệnh viện chiếm 1,76% tổng số chất thải của toàn thành phố. Mỗi ngày trung bình 1 giường bệnh thải ra khoảng 2,27 kg rác, trong đó có tới 25% là rác thải nguy hại.
 
Nguy hiểm nhất là các bệnh phẩm, gồm các tế bào, các mô bị cắt bỏ trong phẫu thuật, tiểu thuật, các găng tay, bông gạc có dính máu mủ, nước lau rửa từ các phòng điều trị, phòng mổ, khoa lây, khí thoát ra từ các kho chứa, nhất là kho chứa radium, khí hơi từ các lò thiêu... Sau đó là các chất thải do dụng cụ phục vụ như kim tiêm, ống thuốc, dao mổ, lọ xét nghiệm, túi ôxy... chất thải hoá chất sinh ra độc hại như dung môi hữu cơ, huyết thanh quá hạn, hoá chất xét nghiệm... cuối cùng mới tới nước thải và nước thải sinh hoạt. Sự nguy hiểm của rác thải bệnh viện, qua một xét nghiệm khoa học cho thấy, mỗi một gram bệnh phẩm như: mủ, đờm… nếu không được xử lý thì sẽ truyền 11 tỷ vi khuẩn gây bệnh ra ngoài.
 
                                                                                                                                                                                                                                      Phương Anh

Số lượt người xem: 4549    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm