• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
0
1
9
0
8
Tin tức sự kiện 08 Tháng Giêng 2014 9:40:00 SA

Mỗi năm người Việt thải ra 90.000 tấn rác thải điện tử

 

Đây là thông tin được các chuyên gia về môi trường đưa ra tại buổi Tọa đàm“An toàn môi trường và sức khỏe nghề nghiệp trong các nhà máy sản xuất và lắp ráp điện tử: Kinh nghiệm quốc tế và hướng giải pháp cho Việt Nam” do Trung tâm Phát triển & Hội nhập (CDI) tổ chức chiều 7/1/2014 tại Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá, đằng sau ánh hào nhoáng của các sản phẩm điện tử và phát triển công nghiệp là những mặt tối mà chúng ta không dễ nhìn thấy. Trên 400 nghìn chip được sản xuất hàng năm đòi hỏi việc sử dụng một lượng đáng kinh ngạc hóa chất độc hại, kim loại và các loại khí để sản xuất. Hóa chất độc hại là nguyên liệu cần thiết cho thiết bị điện tử và hàng ngàn hóa chất đang được sử dụng trong quá trình sản xuất ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động, cộng đồng và môi trường.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về ảnh hưởng sản xuất và lắp ráp điện tử đối với môi trường và sức khỏe

Hiện nay, Việt Nam có hơn 500 nhà máy, công ty điện tử và 2/3 trong số đó là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Sự thay đổi công nghệ nhanh chóng đã rút ngắn vòng đời của sản phẩm điện tử. Các sản phẩm điện tử hư hỏng hoặc lỗi thời bị thải bỏ trở thành rác điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh gấp 3 lần các loại rác thải khác. Ước tính, trung bình mỗi năm,1 người  Việt Nam thải ra 1kg rác thải điện tử, nếu nhân với 90 triệu dân thì tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm. Đây là loại rác thải cực độc hại và nguy hiểm hủy diệt môi trường và sức khỏe của con người khi không được xử lý đúng quy định sẽ gây ô nhiễm không khí, đất và nước. Báo cáo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, có khoảng 28.000 lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp trong đó khoảng 10% liên quan đến hóa chất.

 

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 50 quy định về việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ như: Ắc quy và pin, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp...  Đây là cơ sở pháp lý quan trọng quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc sản xuất, lưu thông, xử lý các sản phẩm thải bỏ. Quyết định này đã gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm do mình bán ra thị trường cho đến khi sản phẩm bị thải bỏ và được xử lý đảm bảo môi trường. Việc quy định trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2016, thu hồi và xử lý máy sao chụp giấy (photocopier), tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt và săm, lốp các loại thải bỏ. Tiếp đến, các loại phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, xe ôtô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1/1/2018.

 

 

 

Phương Anh

 

 


Số lượt người xem: 3333    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm