• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
0
1
9
0
8
Tin tức sự kiện 13 Tháng Giêng 2014 9:15:00 SA

Nhiều kênh rạch vẫn đang bị đầu độc

Mặc dù đã có nhiều biện pháp tuyên truyền kết hợp xử phạt mạnh tay, thế nhưng tình trạng ô nhiễm kênh rạch trên địa bàn TP vẫn còn phức tạp. Điều này đã và đang ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và môi trường sống của người dân.

 Đầu độc kênh bằng nước bẩn, rác thải

Theo ghi nhận mới đây của chúng tôi, tình trạng ô nhiễm ở kênh Ba Bò, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức lại tiếp diễn. Một đoạn kênh dài chừng 100m nước có màu đen kịt, bốc mùi hôi ngột ngạt, từng lớp bọt trắng xóa đã phủ khắp đoạn kênh.

Điều đáng nói, mặc dù nước thải ở kênh Ba Bò đã qua hệ thống xử lý nước thải nhưng nước vẫn có màu đen, bọt trắng. Ghi nhận phản ánh từ nhiều người dân sống tại đây cho thấy, thời gian gần đây nước thải càng ô nhiễm hơn, mặt kênh thường xuất hiện bọt trắng, nước đen và có mùi nồng nặc. 

Không chỉ bị bức tử vì nước thải bẩn, kênh nước Đen thuộc phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân đang chết dần bởi hành động xả rác vô tội vạ của một số người dân và thải nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở sản xuất. Giữa cái nắng ban trưa, mùi hôi nồng nặc từ con kênh này xộc lên mũi và thoảng theo gió bay xa đến cả vài trăm mét vẫn khó ngửi. Rác đóng thành từng mảng lớn làm tắc nghẽn cả dòng kênh, nước không thể lưu thông ứ lại gây hôi thối.

Đã vậy, nước thải bẩn từ hoạt động sản xuất của cơ sở dệt nhuộm với lượng hóa chất đậm đặc trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa A liên tục chảy ra kênh. Đứng gần một giờ tại đây, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều người dân mang những bịch rác to tướng, phế phẩm vứt xuống kênh một cách vô tội vạ. Nhiều người bán hàng từ một số chợ tự phát khu vực lân cận, sau khi kết thúc phiên chợ cứ quét dồn rồi để rác ra bờ kênh. Nếu bộ phận thu gom rác không đến kịp thì rác cứ thế trượt thẳng xuống kênh. Thậm chí, tiểu thương vứt cả ruột heo, xác chết động vật xuống lòng kênh khiến ruồi muỗi ngày càng nhiều.

Kênh chảy qua cầu Băng Ky (đường Phan Văn Hân, phường 17, quận Bình Thạnh) nghẽn đặc rác.

Tình trạng trên xảy ra tương tự tại đoạn kênh chảy qua cầu Băng Ky (đường Phan Văn Hân, phường 17, quận Bình Thạnh); kênh Tân Hóa - Lò Gốm đoạn chảy qua khu vực quận 6, 11 và Tân Bình, và nhiều đoạn kênh khác trên địa phận khu dân cư Đồng Diều quận 8, quận 5, quận 6 và Tân Phú…

Công nhân vớt rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Những con kênh này không chỉ bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, mà còn phải hứng chịu cả nước thải công nghiệp và rác thải. Nước kênh giờ chỉ một màu đen ngòm phủ bên trên bề mặt là những tảng rác thải dày đặc. Một số người đua nhau lấn chiếm xây nhà và thải thẳng rác sinh hoạt ra kênh đã khiến dòng kênh ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng ngàn người dân sống dọc hai bên bờ…

        Xử phạt vẫn không sợ

Bà Nguyễn Thị Lan, ngụ tại đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, cho biết bất chấp chính quyền địa phương tại đây đã nhiều lần vận động, tuyên truyền, lập rào chắn rất cao, thậm chí áp dụng biện pháp phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng để ngăn người dân không vứt rác ra nơi công cộng, thế nhưng tình trạng người dân bỏ rác bừa bãi vẫn cứ tiếp diễn. 

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM cho biết, trước đây, TP có cấp kinh phí để thực hiện công tác vớt rác tại hệ thống kênh rạch. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, TP đã cắt nguồn kinh phí cho phép thực hiện công tác này. Mục đích là để người dân ý thức rõ hơn tác hại của hành động ném rác xuống kênh rạch.

Thế nhưng, cùng với việc nhận thức rõ được hành vi này thì số lượng kênh rạch bị tắc nghẽn, ô nhiễm nặng do rác gây ra cũng tăng lên đáng kể. Có những khu dân cư dù người dân chấp hành tốt quy định về chuyển giao rác thải nhưng do những người xả rác lại là người buôn bán vãng lai hoặc do các chợ tự phát gây ra nên họ cũng phải hứng chịu hậu quả sống chung với kênh ô nhiễm.

Hiện nay chỉ có 2 tuyến kênh được TP cấp kinh phí thực hiện nạo vét rác là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè  và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng do kinh phí hạn chế nên chỉ thực hiện vớt rác tại đoạn kênh đã được cải tạo, còn lại những đoạn chưa cải tạo hoặc thông với các tuyến kênh khác thì không thực hiện vớt rác. 

Cần tính toán việc cho phép thực hiện lại hoạt động vớt rác trên kênh. Còn về phía người dân, cần phải phát huy hơn nữa vai trò giám sát của cộng đồng dân cư. Cho phép người dân thực hiện ghi hình xác định danh tính, từ đó có cơ chế thưởng phạt cho người phát hiện cũng như người có hành vi vi phạm môi trường.

Trên thực tế, giải pháp này đã và đang áp dụng rất hiệu quả tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Vấn đề còn lại là TP linh hoạt ứng dụng giải pháp này nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ, cải thiện môi trường sống chính mình.

 

Sở TN-MT TPHCM cho biết, đến nay vẫn rất khó xử lý triệt để hành vi gây ô nhiễm môi trường vì lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng, số lượng doanh nghiệp gây ô nhiễm di dời tự phát nhiều, phân bố rải rác rộng trên các địa bàn khác nhau. Họ lại thường xuyên thay đổi tên cơ sở, thậm chí có doanh nghiệp còn cắt cử cả những bộ phận canh gác ngược lại đoàn kiểm tra. Chỉ cần thấy bóng đoàn kiểm tra xuất hiện thì họ lập tức cho cúp điện, ngưng hoạt động hoặc vận hành hệ thống xử lý chất thải nên khó xử lý triệt để.

                                                                                                                                                                     Theo SGGP Online

 


Số lượt người xem: 3980    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm