• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
0
1
9
0
8
Tin tức sự kiện 17 Tháng Hai 2014 8:40:00 SA

Phải hỏi ý dân khi tính giá đất

“Điểm mới trong Luật Đất đai 2013 so với luật cũ là quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp làm kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở”. Ông Lê Thanh Khuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cho biết tại hội nghị ngày 14-2, lấy ý kiến về dự thảo nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất và dự thảo nghị định về giá đất do Bộ TN&MT vừa soạn thảo.

Có mức hỗ trợ tối thiểu

Dự thảo nghị định về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất quy định: UBND cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với mỗi nhân khẩu trong độ tuổi lao động của hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi. Mức hỗ trợ được căn cứ vào chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất và điều kiện thực tế của địa phương.

Theo Bộ TN&MT, các quy định hiện hành không định ra mức khung về suất đầu tư tối thiểu trong hỗ trợ đối với người bị thu hồi đất nên mỗi địa phương áp dụng một mức khác nhau. “Có trường hợp hai địa phương giáp ranh nhưng quy định hai mức chênh lệch khá lớn, gây so bì trong dư luận” - ông Khuyến nói.


 

Khi người dân được tham gia định giá đất bồi thường thì khiếu kiện đất đai sẽ giảm. Trong ảnh: Thu hồi đất xây dựng khu đô thị mới ở quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD

 

Để giải quyết vướng mắc này đồng thời đảm bảo tính công bằng đối với người bị thu hồi đất, dự thảo quy định: Diện tích đất ở TĐC không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại địa phương. Diện tích nhà ở TĐC không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo pháp luật về nhà ở.

Không được “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp về việc bồi thường, TĐC và giá đất. “Chúng tôi quan tâm đến việc sau khi nhận tiền bồi thường, người dân phải mua được đất, làm lại được nhà. Muốn vậy, giá bồi thường phải đảm bảo theo giá thị trường” - ông Nguyễn Duy Thắng, Ngân hàng Phát triển châu Á, nói.

Tuy nhiên, Trưởng ban Giải phóng mặt bằng TP Hà Nội Trương Quang Thiều lại đưa ra một thực tế: “Một dự án có mức đầu tư 3.000 tỉ đồng thì phần giải phóng mặt bằng có khi đã ngốn mất 2/3 trong số đó. Thế nhưng thủ tục của việc này lại rất đơn giản. Ngay cả những dự án lớn như cầu Nhật Tân, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai… phương án giải phóng mặt bằng cũng đơn giản, không rõ phương án TĐC cho người dân bị mất đất, mất nhà ra sao. Nhiều dự án cho đến khi giải phóng mặt bằng mới làm thủ tục TĐC”. Ông đề xuất: “Với những dự án quan trọng nên đưa phương án giải phóng mặt bằng ngay từ khi xây dựng dự án”.

Về thẩm định giá đất, bà Phan Thị Mộng Hoa, Chuyên gia cao cấp về phát triển xã hội của Ngân hàng Thế giới, cho rằng tâm lý của người dân rất quan trọng. Nếu quy trình thẩm định giá đất để tính bồi thường minh bạch, khách quan thì người dân sẽ thông suốt. Thế nhưng nếu việc thẩm định giá có đến 90% số người trong hội đồng thẩm định là cán bộ nhà nước ở địa phương, chỉ có 10% là thẩm định viên ở tổ chức độc lập như hiện nay thì giá đất này là không khách quan. Do đó, dẫn đến việc nhiều người dân không đồng tình với giá bồi thường.

Về bảng giá đất do UBND các tỉnh ban hành, theo ông Thắng phải có ý kiến của người dân tham gia. Điều này cần đưa vào quy định trong dự thảo nghị định về giá đất. Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cũng đồng tình: “Nên tham khảo ý kiến của người dân trong việc tính giá đất”.


 

 

Khiếu kiện giảm khi người dân được định giá đất

Việc lấy ý kiến của người dân vào việc định giá đất là rất cần thiết. Tôi có dịp được tiếp xúc với thị trưởng của một thành phố. Ông này cho biết từ khi áp dụng giải pháp để người dân được tự đưa ra giá đất tại thửa đất của mình, thành phố của ông giảm hẳn những vụ khiếu kiện phức tạp về đất đai. Nếu người dân đưa giá cao hơn thực tế, họ sẽ phải chịu thuế cao hơn bình thường; nếu đưa ra mức giá thấp hơn, họ lại thiệt thòi khi nhận bồi thường. Với cách làm này, người dân sẽ hài lòng khi nhận bồi thường hay đóng thuế.

 

PHAN THỊ MỘNG HOA - Chuyên gia cao cấp về phát triển xã hội của Ngân hàng Thế giới


 

Theo: báo Pháp luật TP.HCM


Số lượt người xem: 3449    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm