Sở TN&MT TP.HCM đề nghị như vậy tại cuộc họp giữa Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín với UBND quận 12 về việc thực hiện Nghị quyết 16/2012 của HĐND TP, ngày 8-4.
Theo Sở TN&MT, toàn TP hiện còn 130.000 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Trong đó có rất nhiều trường hợp nhà ở tạo lập trước quy hoạch nhưng hiện không phù hợp quy hoạch mới. Riêng tại quận 12 có hơn 15.000 trường hợp chưa được cấp giấy. “Nguyên nhân chủ yếu do nhà ở không phù hợp quy hoạch và mua bán giấy tay sau ngày Luật Đất đai có hiệu lực (1-7-2004)” - ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, giải thích.
Sở TN&MT cho rằng cách làm hiện nay là nếu không phù hợp quy hoạch thì không được cấp giấy chứng nhận. Có những quy hoạch (như đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới…) trong đó có đất ở nhưng người dân dù có nhà ở ổn định trong khu vực này vẫn không được cấp giấy. Rõ nhất là trường hợp hàng ngàn hộ dân ở đường Nguyễn Hữu Cảnh và đường Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh. “Khu vực này đang được quy hoạch là khu dân cư xây dựng mới (nghĩa là phải xóa trắng để xây dựng mới), trong khi nơi đây đang là khu dân cư dày đặc. Cũng do quy hoạch này mà các hộ dân dù sinh sống lâu đời vẫn không được cấp giấy chứng nhận” - Sở TN&MT thông tin.
Sở TN&MT đề nghị những loại quy hoạch như trên cần phải hiểu là phù hợp quy hoạch để xem xét cấp giấy cho dân. Riêng đối với các loại quy hoạch đã xác định rõ như công trình công cộng, công viên cây xanh, đường giao thông, trường học… mới phải kiến nghị thay đổi chính sách nếu không phù hợp.
Về việc nhà đất mua bán giấy tay sau 1-7-2004 chưa được cấp giấy, Sở TN&MT cho rằng tìm ra người chủ đầu tiên để cấp giấy, sau đó giữa người mua trước và người mua sau làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… là rất khó khả thi. Vì thế “nếu nhà đất không có tranh chấp, không khiếu nại và phù hợp quy hoạch thì giải quyết cấp giấy cho người mua cuối cùng. Khi đó người mua cuối cùng và chủ đầu tư phải đóng thuế cho Nhà nước” - sở này đề nghị.
Thống nhất cách xử lý trên, ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh: Khi xem xét cấp giấy cho các trường hợp mua bán giấy tay thì phải công khai thông tin để tránh khiếu kiện về sau. Đồng thời, các bên liên quan phải thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. “UBND TP đã nhiều lần kiến nghị trung ương xem xét tháo gỡ các vướng mắc nêu trên cho phù hợp với thực tiễn TP.HCM nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. TP sẽ tổng hợp lại và báo cáo với Thường trực Thành ủy và HĐND để xin chủ trương giải quyết theo hướng nêu trên” - ông Tín cho hay.
Theo Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh