Anh Trần Văn Toản, ngụ tại ấp 1 xã Nhị Bình huyện Hóc Môn, cho biết: “Mùa mưa nước có mùi hôi tanh, còn mùa nắng nước bơm lên như một vết dầu loang trên biển vì phèn. Hầu hết người dân ở xã đều sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn và các tạp chất khác rất nặng. Mỗi hộ dân phải đầu tư cả chục triệu đồng để khoan giếng. Ngặt nỗi, giếng khu vực này nhiễm chì và phèn rất nặng nên phải đầu tư thêm ngần ấy tiền để mua hệ thống lọc. Thế nhưng nước vẫn không hết phèn”.
Còn ở ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm huyện Hóc Môn, cả ngàn người dân ở đây không có nước máy, phải ăn, uống, sinh hoạt bằng nước giếng khoan, nhưng ở độ sâu nào cũng ít nhiều có mùi tanh và nhiễm phèn. Ông Nguyễn Văn Sĩ cho biết, nhà ông và nhiều gia đình khác đã nhiều lần đem nước lên thành phố xét nghiệm, kết quả là nước bị nhiễm sắt, vượt tiêu chuẩn. Theo nhiều bà con tại đây, nước thải từ Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân - giáp ranh huyện Hóc Môn) chưa qua xử lý thường lén xả ra rạch Cầu Sa gần cả chục năm nay khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm…
Huyện Hóc Môn là một trong những nơi có nhà máy sản xuất nước sạch nhưng người dân lại không được sử dụng nước sạch. Lý giải về vấn đề này, ông Lê Tuấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, việc cung cấp nước sạch vẫn còn nhiều khó khăn, mạng lưới cấp nước sạch hiện nay chưa phủ rộng địa bàn. Nhu cầu lớn nhưng tiến độ đầu tư hệ thống cấp nước sạch còn chậm; vốn đầu tư cao, khó bố trí tập trung vốn trong thời gian ngắn.
Giá nước hiện nay tương đối cao so với nhu cầu của người dân nông thôn. Giá nước của Công ty Cấp nước Trung An là 6.095 đồng/m³, trong khi đó, giá nước của trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn chỉ có 3.000 đồng/m³, do đó người dân có xu hướng chọn sử dụng nước của trung tâm nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, phải chi tiền lắp đặt đồng hồ nước 2,5 triệu đồng, trong khi đó Công ty Cấp nước Trung An lắp miễn phí nhưng giá nước thu cao hơn. Điều đáng nói, người dân vẫn còn thói quen dùng nước giếng khoan mặc dù nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Nhằm giải quyết cấp bách cho 6 xã thuộc diện nông thôn mới (Xuân Thới Thượng, Nhị Bình, Thới Tam Thôn, Xuân Thới Sơn, Đông Thạnh, Tân Hiệp), trong năm nay, Công ty Cấp nước Trung An sẽ đầu tư 8 dự án lắp đặt 34.376m đường ống cấp nước sạch cho 3.214 hộ với tổng mức đầu tư hơn 74,1 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, lắp đặt 107.282m ống phi 100 - 300 cung cấp cho 11.611 hộ với tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo huyện Hóc Môn, để hoàn thành hệ thống đường ống cấp nước đến từng hộ dân, huyện cần hơn 251 tỷ đồng. Đây là số tiền khá lớn vì vậy huyện kiến nghị TP sớm giải ngân để Công ty Cấp nước Trung An thực hiện dự án.
Một nguyên nhân quan trọng làm cho cuộc chạy đua giữa cung và cầu luôn ở tình trạng không cân sức là do hệ thống truyền dẫn, phân phối nước phát triển quá chậm. Hầu như 40 năm qua, mạng truyền dẫn cấp 1 và 2 ở một số khu vực vẫn chưa được xây dựng ở khu vực các huyện ngoại thành mà chủ yếu phục vụ khu vực nội thành cũ, chưa theo kịp quá trình đô thị hóa và chưa đủ khả năng tiếp nhận các nguồn nước mới.
Hiện nay nhiều huyện như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè vẫn là vùng “trắng” nước sạch. Sự yếu kém của hệ thống truyền dẫn và phân phối phần nào làm hạn chế các nhà máy nước phát huy công suất.