Ẩn số
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, nhận định, năm 2009 khi Nghị định 69 về tính TSDĐ ra đời quy định thu TSDĐ sát giá thị trường đã làm chựng lại thị trường. Cách nay 2 năm, công ty tìm được đối tác nước ngoài tham gia một dự án. Tuy nhiên sau đó mừng hụt vì đối tác rút đi chỉ vì lý do TSDĐ như một ẩn số. Lẽ ra TSDĐ phải được biết ngay từ đầu, nằm trong kế hoạch tính toán đầu tư, nhưng hiện nay khi bắt tay vào đền bù rồi vẫn không biết được TSDĐ là bao nhiêu! Việc đóng TSDĐ phải theo tiến độ dự án, không nên nộp một lần trở thành gánh nặng cho chủ đầu tư.
Hội trường “nóng” lên khi ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, ví von rằng quy định hiện nay cứ chạy lòng vòng rồi kẹt cứng. Công ty có dự án 2ha ở quận Bình Tân, mua đất nông nghiệp của người dân 5 triệu đồng/m², tổng chi phí bồi thường khoảng 100 tỷ đồng. Trong khi đó nhà nước chỉ khấu trừ cho doanh nghiệp hơn 10 tỷ đồng, mặc dù doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ đền bù giải tỏa. Đây là một cách tính rất cũ, không trừ đúng, trừ đủ theo sát thực tế.
Tiếp đó, muốn cấp phép xây dựng thì phải đóng TSDĐ, nhưng tính TSDĐ không ra nên không cấp được giấy phép xây dựng, không cấp phép thì không xây xong móng, không xong phần móng thì không bán được, không có tiền để đóng TSDĐ!
Một chủ đề khác cũng khiến doanh nghiệp than là thủ tục hành chính. Ông Trần Văn Mười, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh nhà Tháp Mười, nhận xét, hiện nay hồ sơ nằm quá lâu ở hai bộ phận Phòng Tài nguyên - Môi trường và Phòng Quản lý đô thị, trong đó có nguyên nhân là do thiếu người.
“Đề nghị thành phố cho lập một công ty làm dịch vụ ngoài giờ để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, doanh nghiệp chấp nhận đóng thêm tiền. Lúc đó tiền dịch vụ sẽ “chạy” vào ngân sách, chứ không phải chạy ra ngoài. Nếu cứ đà làm 3 năm mới xong một bộ hồ sơ cho dự án thì hết sức khó khăn cho kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, sản phẩm sẽ bị đội giá lên cao”, ông Trần Văn Mười nói.
“Làm khó” sẽ bị kỷ luật
Đối với TSDĐ, đại diện Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM đề xuất phương thức tính thu TSDĐ theo 2 bước: Bước 1, tính “giá trị quyền sử dụng đất của dự án đầu tư”: Tính giá trị quyền sử dụng đất của dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt theo cách tính của Bộ Tài chính lấy giá đất quy định tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định nhân (x) hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm được cơ quan nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Bước 2: Tính TSDĐ mà tổ chức kinh tế phải nộp bằng “giá trị quyền sử dụng đất của dự án đầu tư” nhân (x) với “tỷ lệ điều tiết” tính bằng phần trăm (%).
Tùy theo tình hình dự báo cung - cầu trên thị trường hoặc nhà nước muốn khuyến khích hoặc muốn hạn chế sự phát triển của thị trường mà hàng năm hoặc khi có yêu cầu thì UBND cấp tỉnh có thể điều chỉnh “tỷ lệ điều tiết” này có thể là 10% hoặc 20%... cho phù hợp. Nộp TSDĐ theo tiến độ bán hàng và trong thời hạn tối đa là 24 tháng; sẽ góp phần làm giảm áp lực tài chính lên doanh nghiệp và tạo điều kiện giảm mặt bằng giá BĐS có lợi cho người mua.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, thành phố đồng ý với những kiến nghị của Hiệp hội BĐS TPHCM, sẽ tổ chức lấy ý kiến của doanh nghiệp để góp ý dự thảo Nghị định thu TSDĐ của Bộ Tài chính.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín phát biểu: “Vừa qua, tôi đã xuống từng quận, huyện nghe trực tiếp ý kiến của người dân xung quanh vấn đề đất đai, người dân kêu nhiều lắm. Nay gặp doanh nghiệp cũng nghe kêu vấn đề này. Những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật sẽ kiến nghị trung ương, thẩm quyền của thành phố sẽ tiếp tục tháo gỡ”. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cũng yêu cầu Sở Xây dựng rà soát lại quy trình, xóa bỏ quy định chồng chéo, chế tài cụ thể cho cá nhân trực tiếp giải quyết hồ sơ. Đối với lãnh đạo các sở, từ nay hồ sơ đưa lên đọc hết một lượt và trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp về các vấn đề, thủ tục cần bổ sung, sửa chữa.