Cần tăng cường tính đồng thuận từ phía người dân
Đó là bài học đầu tiên được rút ra qua bài viết Thu hồi đất đai: Nhìn từ cách làm của Đà Nẵng được đăng trên báo Kinh tế nông thôn ngày 5/5.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo 3 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Đó là, Nghị định quy định phương pháp định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất. Cũng thực hiện cơ chế chung là “Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch”, sau đó đưa đất sạch vào đấu giá, nhưng TP.Đà Nẵng đã có cách thực hiện riêng: Chính quyền công bố thông tin quy hoạch, vận động người dân đạt được sự đồng thuận, GPMB do chính quyền đảm nhiệm trên cơ sở mức giá đền bù và tái định cư được áp dụng theo biểu giá chung của thành phố. Chính sách đền bù bằng tiền kết hợp với nhà ở, đất ở đã có tác dụng vận động người dân tích cực hưởng ứng với các chương trình thu hồi đất giải phóng mặt bằng (GPMB) đất, giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.
Theo nhận định của ThS.Bùi Khắc Vư, Trưởng nhóm nghiên cứu các kiến nghị về đất đai của LANDA: sự sáng tạo ở TP.Đà Nẵng trong thu hồi đất là, Nhà nước và nhân dân cùng chia sẻ lợi ích bằng cách người dân tham gia góp đất xây dựng các công trình công cộng, nhờ đó đã giúp thành phố tiết kiệm chi phí chỉnh trang đô thị và nâng giá trị đất của người dân sau khi quy hoạch.
Ảnh minh họa: Đà Nẵng ngày một khang trang hơn nhờ có sự đồng thuận của người dân trong quá trình thu hồi đất
Cùng tán thành với cách làm trên, theo GS - TSKH Đặng Hùng Võ: việc thu hồi dất cần được “Mềm hóa” bằng quá trình thương thảo. Theo bài viết trên Báo Nông thôn ngày nay ngày 6/5, GS - TSKH Đặng Hùng Võ nhận định: việc vận dụng thu hồi đất theo dự án vừa qua ở TP.HCM có một số kinh nghiệm và thành quả đáng học tập, cho dù TP.HCM hiện vẫn có nhiều dự án đang có vấn đề.
Nghị định 84/2007 của Chính phủ quy định, khi dự án thuộc trường hợp thu hồi đất mà nhà đầu tư tự nguyện đứng ra thỏa thuận, thì pháp luật cho phép. Khi thỏa thuận được 70% thì phần còn lại do Nhà nước can thiệp. Thế nhưng, TP.HCM thì yêu cầu các dự án trên địa bàn đều thực hiện như vậy...
Nhưng trường hợp này lại thành công và khiếu kiện của người dân giảm đi nhiều. Tôi đã hỏi nhiều người dân TP.HCM, họ đều nói rằng điều đó là chấp nhận được. Mặc dù bồi thường không bằng được thực tế, nhưng giá bồi thường cao hơn trước đây nhiều lần, TP.HCM có định giá đất và định giá ấy tương đối sát. Người dân trong quá trình đối thoại, được “mặc cả” với nhà đầu tư. Đến khi những người dân đòi hỏi quá cao, rơi vào 30% còn lại, lúc đó Nhà nước mới can thiệp.
Ông Đặng Hùng Võ cho rằng: đây chính là cơ chế Nhà nước thu hồi đất (nguyên là cơ chế cứng) đã được “mềm hoá” đi bằng quá trình nhà đầu tư thương thảo với người dân. Đây là những kinh nghiệm mà chúng ta nên đưa vào áp dụng đồng loạt cho các dự án mà Nhà nước thu hồi đất theo dự án. Tinh thần của nó cũng chính là phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Bên cạnh công tác đền bù và giải phóng mặt bằng, việc công khai minh bạch trong quản lý đất đai cũng là một biện pháp giúp người dân yên tâm hơn khi làm theo quy hoạch của nhà nước. Theo Dự thảo Thông tư quy định về thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất do Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) xây dựng, thời điểm thống kê đất đai định kỳ là ngày 01 tháng 01 hàng năm (trừ năm thực hiện kiểm kê đất đai). Thời điểm kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất định kỳ là ngày 01 tháng 01 của các năm có chữ số tận cùng là 0 và 5. Đây là thông tin được Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT và báo Diễn đàn doanh nghiệp đưa trong ngày 5/5.
Cũng với mục đích công khai minh bạch việc quản lý quỹ đất, những cuộc kiểm tra, rà soát của các cơ quan chức năng đã góp phần phát hiện hàng loạt những sai phạm, thiếu sót trong quá trình quản lý đất đai nói chung.
Báo Tài nguyên & Môi trường ngày 6/5 cho biết: Mới đây, Đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát các dự án trên địa bàn thành phố đã phát hiện
Hàng trăm dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai.
Cụ thể, trong 859 dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (từ ngày 1/1/2009 đến 31/12/2013) trên địa bàn, với diện tích gần 2.987ha phát hiện có 336 dự án với diện tích hơn 1.422ha có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, có 35 dự án, diện tích gần 538 ha vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
UBND TP đã có văn bản giao Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố lập đoàn kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh thực hiện 35 dự án chậm triển khai vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đề xuất xử lý các trường hợp vượt thẩm quyền. Đối với 157 dự án không sử dụng đất trong 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái phép thì giao Sở TN&MT thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, kết luận.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã cũng đã công bố kết quả kiểm tra việc dành quỹ đất 20% tại các dự án khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội trong tháng 3 vừa qua. Theo đó, 11/12 dự án được kiểm tra khi phê duyệt đều quy định dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, kể cả dự án được phê duyệt trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực (5/12 dự án), trừ 1 dự án thuộc địa bàn Hà Tây cũ. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội phần lớn không đúng mục đích. Thông tin trên được đăng tải trên báo Hà Nội mới ngày 5/5.
Phản ánh cụ thể về sai phạm trong công tác quản lý, cấp phép xây dựng đất đai trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội), báo Xây dựng ngày 5/5 có bài viết, Hà Nội: Huyện Thanh Trì làm ngơ trước sai phạm tại xã Tân Triều.
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Xây dựng, chiều ngày 24/4/2014, ông Hoàng Trọng Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (Thanh Trì – Hà Nội) cho biết: Trên địa bàn hiện còn 46 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Từ đầu năm 2014 đến nay, chính quyền xã phối hợp với Thanh tra Xây dựng tại địa bàn đã nỗ lực rà soát, lập biên bản xử lý và tổ chức cưỡng chế 14 công trình nhưng không thể xử lý triệt để. Xã Tân Triều là địa bàn khá phức tạp, các đối tượng xã hội tập trung đông. Nhiều công trình sai phạm bị chính quyền lập biên bản, khi cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế chủ công trình bày đủ các chiêu trò để chống đối, gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công trình xây dựng không phép vẫn mặc nhiên tồn tại. Dù chủ công trình có ngụy trang bằng cách rào chắn nhưng không thể che được những sai phạm rõ mồn một. Nhiều công trình vừa mới hoàn thiện bên cạnh những hồ ao, những luống rau,…có được cấp phép xây dựng hay không, lẽ nào chính quyền địa phương không quản lý được và tại sao chưa có động thái xử lý sai phạm?
Bảo vệ môi trường: cần lắm sự ý thức từ mỗi một cá nhân
Báo Người lao động ngày 5/5 phản ánh về tình trạng: người dân lạm sát cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hũ - Bến Nghé khiến dòng kênh mới thoát khỏi tình trạng “thối” này lại đứng trước nguy cơ ô nhiễm do cạn kiệt nguồn thủy sản.
Trước đó, vào tháng 8-2013, TP. HCM đã chi hơn 300 triệu đồng để thả 450.000 con cá giống xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và kênh Tàu Hũ - Bến Nghé. Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng bên cạnh hành động tích cực thả cá bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng thì nhiều người đang tận thu nguồn lợi thủy sản, thậm chí lạm sát cá bằng câu chùm, lưỡi bén khiến ông rất sốt ruột. Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản lại khẳng định: không có tình trạng lạm sát cá mà chỉ là câu quá nhiều. Theo ông Vĩnh, việc này không chỉ phản cảm, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư mà còn đe dọa dòng kênh. Môi trường của 2 dòng kênh đang phục hồi tốt nên việc thả cá sẽ góp phần xử lý bùn lắng, cải tạo môi trường…“Việc câu cá sẽ gây ô nhiễm môi trường sống các loài thủy sinh và ô nhiễm nguồn nước”.
Người dân tụ tập câu cá trên kênh từ sáng đến chiều Ảnh: Sỹ Đông
Bên cạnh đó, việc sinh hoạt, sản xuất của người dân cũng là môt trong những nguyên nhân vô tình gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh. Báo Đại Đoàn Kết có bài phản ánh: Làng bún Khắc Niệm: Báo động ô nhiễm môi trường nước.
Theo kết quả phân tích chất lượng nước thải của làng bún Khắc Niệm (Bắc Ninh) cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá chất lượng như COD, BOD, hàm lượng coliform đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 20 đến 30 lần. Đồng thời, việc hệ thống mương xuống cấp, các chất thải ứ đọng lại, gây tắc nghẽn, tràn lênh láng ra đường, bốc mùi hôi thối. Hiện chưa có con số thống kê, nhưng đã có rất nhiều người dân ở Khắc Niệm mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống nước thải làng nghề bún Khắc Niệm với công suất 2.500 m3/ ngày với tổng mức đầu tư của dự án là 60 tỷ đồng. Hy vọng trong tương lai khi dự án hoàn thành tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm sẽ được cải thiện
Đặt ra vấn đề: Doanh nghiệp và trách nhiệm bảo vệ môi trường, trong bài viết ngày 5/5 báoVietnam.net cho rằng: Hoạt động sản xuất kinh doanh là nhóm hoạt động gây tác động mạnh đến môi trường, do đó trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở ý thức mà còn là nghĩa vụ luật định.
Đối với một số dự án, để được cấp giấy phép đầu tư, xây dựng, khai thác, chủ dự án trước hết phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tùy thuộc vào nội dung của dự án mà cơ quan có trách nhiệm thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường có thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Những dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc danh mục trên thì có trách nhiệm cam kết bảo vệ môi trường và đăng ký bản cam kết với Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã.
Đưa ra tấm gương về việc xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, trong ngày 6/5, các báo Lao động, Đại Đoàn Kết, Quảng Nam, Công an nhân dân đồng loạt đưa tin: Quảng Nam: Phạt 140 triệu đồng một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường
UBND tỉnh Quảng Nam ngày 5/5 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 140 triệu đồng đối với Cty CP Fococev Quảng Nam (thôn 2, xã Quế Cường, huyện Quế Sơn), do Cty này không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cụ thể, Cty này chưa phun chế phẩm EM xử lý vỏ lụa để giảm thiểu mùi hôi tại khu vực sản xuất,vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Cùng với việc xử phạt hành chính, UBND tỉnh cũng yêu cầu Cty này chấm dứt ngay hành vi vi phạm và phun chế phẩm EM xử lý vỏ lụa để giảm thiểu mùi hôi tại khu vực sản xuất, báo cáo kết quả khắc phục về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/5/2014.
Cũng về vấn đề bảo vệ môi trường nhưng ở một góc nhìn khác, báo Tài nguyên & Môi trường ngày 6/5 cho hay: Sau một thời gian thí điểm đưa xăng sinh học E5 ra thị trường nhưng người tiêu dùng không mấy “mặn mà” khi sử dụng.
Theo TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng: nguyên nhân xăng sinh học chưa đi vào cuộc sống là do giá cao. Hiện các nhà máy sản xuất nhiêu liệu sinh học (NLSH) của Việt Nam chủ yếu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tinh bột trong khi giá nguồn nguyên liệu này không ổn định. Thứ hai, công nghệ và thiết bị của các nhà máy hầu như phải nhập khẩu hoàn toàn nên giá cao. Thứ ba, trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng nhà máy, chúng ta cũng phải xử lý nhiều thủ tục hành chính dẫn đến chi phí đầu tư cũng tăng. Thứ tư, các nhà máy sản xuất NLSH hiện nay không chạy hết công suất dẫn đến chi phí khấu hao trên một đơn vị sản phẩm NLSH tăng.
Việc áp dụng NLSH vào cuộc sống là một chủ trương lớn của Việt Nam đã được xác định tại Quyết định 53/2012/QĐ-TTg của Chính phủ. Theo đó, lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn NLSH với nhiên liệu truyền thống dự kiến triển khai từ ngày 1/12/2014 tại 7 tỉnh, thành phố lớn và tiến tới triển khai trên toàn quốc vào ngày 1/12/2015.
PV (Tổng hợp)