Tỉnh An Giang đã được Chính phủ Australia tài trợ 3 dự án có liên quan với biến đổi khí hậu giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tập trung cho các ngành, gồm: dự án “Canh tác lúa ít khí thải” (Sở Nông nghiệp); dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng tại đồng bằng sông Cửu Long” (Hội Phụ nữ); “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng gắn với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long” (Hội Chữ thập đỏ) trong thời gian từ năm 2012 - 2014 tại 11 xã thuộc 6 huyện, thị xã Tân Châu, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Phú Tân và Thoại Sơn.
Trong thời gian làm việc tại An Giang đoàn công tác của Chính phủ Australia đi thực địa tìm hiểu các chương trình, dự án có đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro, thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh; giá trị, đóng góp từ chương trình dự án và đóng góp như thế nào về bình đẳng giới và các nhóm có nguy cơ; tỉnh rút ra được bài học kinh nghiệm gì từ chương trình và tiếp tục trong tương lai.
Ông Võ Anh Kiệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, thời qua An Giang rất quan tâm, có nhiều hỗ trợ cho các ngành triển khai thực hiện các dự án và cộng đồng tham gia tích cực. Tỉnh còn chỉ đạo đầu tư phát triển sản xuất bền vững nhưng phải đảm bảo môi trường. Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp hàng năm phải tăng dần diện tích áp dụng "1 phải 5 giảm" bảo vệ môi trường; chú trọng xây dựng nhà ở, cụm, tuyến dân cư vượt lũ phải an toàn, tránh lũ để giảm nhẹ rủi ro thiên tai; lồng ghép kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Ngoài 3 dự án mà Chính phủ Australia tài trợ cho tỉnh An Giang giảm nhẹ rủi ro biến đổi khí hậu, tỉnh còn xây dựng kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tuy nhiên hiện nay tỉnh đang rất cần nguồn lực đầu tư. Ba dự án mà Chính phủ Australia hỗ trợ đang thực hiện nếu có hiệu quả sẽ được tiếp tục triển khai nhân rộng trong tương lai, nhất là mô hình sinh kế.
Theo kết quả ban đầu, các dự án đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn kỹ năng ứng phó với rủi ro thiên tai biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư, thầy trò, trường học…; chọn triển khai 3 mô hình sinh kế trồng nấm rơm, nuôi lươn và vườn nổi; hỗ trợ vốn vay sinh kế cho 72 hộ nghèo, dân tộc, khuyết tật. Qua đó giúp nông dân ứng dụng sâu qui trình công nghệ mới "1 phải 5 giảm" bảo vệ môi trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận…
Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt hàng năm từ tháng 6 kéo dài đến tháng 11, nước từ thượng nguồn Campuchia đổ vào tỉnh An Giang và chảy sâu vào nội địa đồng bằng sông Cửu Long gây lũ lụt, thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của nhân dân. An Giang còn là 1 trong 4 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, đất bị bạc màu, khô hạn, nhiễm phèn, xâm ngập mặn... Các dự án được Chính phủ Australia hỗ trợ trong thời gian qua đã giúp cộng đồng thực hiện có khả năng chuẩn bị và ứng phó thảm họa thích hợp; được chuẩn bị tốt các tình huống thảm họa liên quan đến thời tiết và rủi ro biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng chống chịu của nhân dân đối với những tác động của biến đổi khí hậu, hiểu những tác động của biến đổi khí hậu đến kinh kế, sức khỏe và sự an toàn; học sinh có kỹ năng tự chăm sóc mình và người khác khi xảy ra thảm họa…. nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng và ứng phó tốt với biến đổi khí hậu hiện nay và trong thời gian tới.
Tại tỉnh An Giang, đoàn cũng đi thực địa đánh giá tác động từ chương trình dự án đã triển khai tại huyện Phú Tân, An Phú...