Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai rất quan trọng vì nó sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nhằm răn đe, bảo đảm thực thi Luật Đất đai. Dự thảo Nghị định đã kế thừa một số nội dung của Nghị định 105/2009/NĐ-CP và cụ thể hóa nhiều điểm trong Luật Đất đai 2013.
Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách & Pháp chế (Tổng cục Quản lý đất đai), sau khi tổng hợp tiếp thu các ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, Ban soạn thảo đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định gồm 04 Chương, 32 điều. Theo đó, về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt thì ngoài 17 hành vi được quy định tại Nghị định 105/2009 thì Dự thảo bổ sung thêm 2 hành vi bị xử phạt bao gồm: Chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sải khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở; Nhận chuyển quyền vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, mức xử phạt bằng tiền áp dụng cho tổ chức cá nhân tăng 02 - 04 lần so với quy định của Nghị định 105; cụ thể với cá nhân cao nhất là 500 triệu, tổ chức là 1 tỷ đồng và khoảng cách giữa mức tốt thiểu và tối đa của các hình thức phạt tiền là 03 – 05 lần.
Bên cạnh đó, về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về đất đai thì Chủ tịch UBND cấp xã, huyện được quy định tăng so với Nghị định 105 như: Chủ tịch xã có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng (mức cũ là 2 triệu đồng); Chủ tịch UBND huyện được phạt đến 50 triệu (mức cũ là 30 triệu).
Quang cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung, hình thức của Dự thảo Nghị định. Theo đó, đa số đại biểu cơ bản nhất trí về các quy định của Dự thảo, tuy nhiên, một số cho rằng, Ban soạn thảo cần giải thích cụ thể về một số khái niệm tại Điều 3 của Dự thảo như lấn đất, chiếm đất để khi áp dụng hiệu quả hơn. Đồng thời, quy định cụ thể, chi tiết các mức độ sai phạm và mức tiền phạt. Ngoài ra, khoảng cách giữa mức phạt tiền tốt thiểu và tối đa lớn, do đó khi thanh, kiểm tra có thể dẫn tới việc thỏa thuận, không minh bạch giữa thanh tra và cá nhân, tổ chức vi phạm…
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu, Ban soạn thảo tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, phân loại xử lý các hành vi theo 2 hướng: Xử lý theo giá trị diện tích đất và hành vi vi phạm. Theo đó, đối với những hành vi “nóng” như: Giao dịch ngầm, chuyển nhượng trái phép… thì có thể áp dụng mức phạt cao nhất; còn đối với các hành vi khác thì hướng dẫn cụ thể các mức độ và hình thức xử lý ngăn chặn việc không minh bạch và nhờn luật của các cá nhân tổ chức vi phạm.