Trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND và UBND TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế Thành phố gắn với công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, Chương trình đầu tiên có tác động lớn đến các doanh nghiệp gây nhiễm môi trường là Chương trình di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường (1.402 cơ sở) vào khu công nghiệp và vùng phụ cận giai đoạn 2002 - 2006 theo Nghị quyết số 22/2002/NQ-HĐ của HĐND Thành phố và Quyết định số 80/2001/QĐ-UB của UBND Thành phố.
Chương trình đã đạt được kết quả nhất định, cụ thể đã di dời 50% đơn vị, 36,8% đơn vị ngưng sản xuất, 10% đơn vị chuyển đổi ngành nghề, 2,8% đơn vị khắc phục tại chỗ, 04% gia hạn, lùi thời gian di dời. Chính việc quyết liệt tập trung triển khai các Chương trình trên, tình hình môi trường Thành phố được cải thiện rõ rệt về chất lượng nguồn nước mặt; ô nhiễm không khí do sản xuất giảm đáng kể; các khiếu kiện, khiếu nại của người dân đối với ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp cũng đã giảm rất nhiều.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP.HCM đã và đang xuất hiện một số khu vực nóng về ô nhiễm môi trường do tốc độ đô thị hóa, cơ sở sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường, việc xử lý chất thải chưa được đầu tư thỏa đáng, đặc biệt là cơ sở sản xuất cũ có công nghệ thiết bị lạc hậu nằm xen cài trong khu dân cư, gây tác động xấu về môi trường đến cộng đồng dân cư, làm khó khăn trong công tác kiểm soát ô nhiễm, đồng thời ảnh hưởng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, việc xây dựng “Kế hoạch xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.HCM” là vấn đề rất cần thiết và quan trọng nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố. Theo đó, giai đoạn I (2015-2016), xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường; xác định đối tượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nghiêm trọng; hướng dẫn lập danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hình thức xử lý; trình ban hành danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Giai đoạn II (2016-2017), trên cơ sở danh mục được ban hành, thực hiện các hình thức xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phối hợp các sở, ngành, UBND quận - huyện, tham mưu UBND Thành phố ban hành quyết định di dời, phê duyệt các chính sách tài chính, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cơ sở di dời; tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ di dời, vận động, tuyên truyền các cơ sở di dời chấp hành đúng chủ trương chung của Thành phố.
Sau năm 2017, tiếp tục cập nhật và thực hiện xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc di dời. Kế hoạch cũng nêu cụ thể về xác định đối tượng đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tội phạm gây ô nhiễm môi trường; rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường; trình tự thẩm định và ban hành quyết định di dời; công tác kiểm tra, giám sát tiến độ di dời; tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế…
Sở Tài nguyên và Môi trường - Thường trực Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm chính về triển khai di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tổng hợp, theo dõi việc thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố; chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận-huyện thu thập thông tin và trình UBND Thành phố danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời; xây dựng đơn giá tiền sử dụng đất, đơn giá thuê đất theo quy định khi chủ đầu tư thực hiện dự án tại địa điểm di dời và nơi di chuyển đến.
Song song đó, tổng hợp phương án xử lý, kế hoạch, lộ trình triển khai di dời đối với các cơ sở, phương án xử lý đối với đất, tài sản gắn liền với đất tại vị trí cũ của từng đối tượng phải di dời do Sở, Ban, Ngành, UBND các quận-huyện cung cấp, trình UBND Thành phố phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các Sở ngành có liên quan kiểm tra, thẩm định các phương án di dời trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt, ban hành quyết định di dời, quyết định chính sách ưu đãi và chính sách hỗ trợ di dời đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời…
UBND TP.HCM giao Thường trực Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm làm đầu mối điều phối hoạt động chung của Kế hoạch, theo dõi tiến độ, phát hiện khó khăn, vướng mắc, tổng hợp, đề xuất trình UBND Thành phố kịp thời xem xét, giải quyết;tổng hợp báo cáo kết quả hàng năm, báo cáo tổng kết giai đoạn trình UBND Thành phố và Ban Kinh tế Ngân sách HĐND Thành phố. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Nguồn: Website Bộ TNMT.