Luật Khí tượng thủy văn được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Trong Luật, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chi tiết 5 nhóm nội dung tại một số điều, khoản. Cụ thể, là tại khoản 6 Điều 13 (quan trắc khí tượng thủy văn của các chủ công trình, cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn), khoản 4 Điều 15 (quy định chi tiết hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn), khoản 7 Điều 25 (dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia), khoản 6 Điều 32 (khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn), khoản 3 Điều 48 (trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn với tổ chức, cá nhân nước ngoài) của Luật Khí tượng thủy văn. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, đồng thời để Luật Khí tượng thủy văn nhanh chóng đi vào thực tiễn ngay sau khi có hiệu lực, việc xây dựng và ban hành “Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn” là cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu báo cáo tại cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức triển khai xây dựng Nghị định theo trình tự quy định của pháp luật: đã đánh giá tác động của dự thảo Nghị định; rà soát, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tổ chức nghiên cứu, vận dụng các quy định, khuyến cáo kỹ thuật về khí tượng thủy văn liên quan của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); tổ chức các hội thảo khoa học, họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập đóng góp cho dự thảo với sự tham gia của đại diện của các Bộ, ngành, các chuyên gia; xin ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Về cơ bản, các ý kiến góp ý của Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đều thống nhất với nội dung của Dự thảo Nghị định. Các ý kiến góp ý đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, báo cáo giải trình cụ thể.
Nghị định được xây dựng trên cơ sở các quan điểm: tuân thủ đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Khí tượng thủy văn; nội dung quy định của Nghị định đảm bảo rõ ràng, cụ thể, chi tiết và khả thi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ngay từ thời điểm văn bản có hiệu lực thi hành; các quy định mang tính kỹ thuật về khí tượng thủy văn trong Nghị định được xây dựng vừa chi tiết hóa các quy định của Luật Khí tượng thủy văn, vừa bảo đảm tuân thủ theo các khuyến cáo kỹ thuật của Tổ chức Khí tượng thế giới và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Dự thảo Nghị định gồm 3 Chương với 36 Điều, trong đó: Chương I về Quy định chung (Điều 1 và 2) quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Chương II về Quy định chi tiết (gồm 5 mục từ Điều 3 đến Điều 34) quy định chi tiết về 5 nhóm nội dung tại một số điều, khoản trong Luật Khí tượng thủy văn; Chương III về Tổ chức thực hiện (gồm Điều 35 và 36), trong đó có quy định Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã trao đổi, đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trong đó tập trung vào các vấn đề còn ý kiến khác nhau về: đối tượng áp dụng của Nghị định đối với lĩnh vực hàng không dân dụng; một số loại công trình quan trắc khí tượng thủy văn; khai thác thông tin, dữ liêu khí tượng thủy văn không phải trả phí…
Toàn cảnh cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn sẽ tập trung quy định chi tiết 5 nhóm nội dung mà Quốc hội giao Chính phủ quy định. Thứ trưởng cũng cho ý kiến về một số vấn đề được trao đổi trong cuộc họp. Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sẽ điều chỉnh toàn bộ các hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam và không mâu thuẫn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các Luật chuyên ngành khác. Đồng thời, Bộ sẽ bổ sung thêm một số loại công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, ví dụ như “công trình cáp treo” vì ảnh hưởng đến tính mạng người dân…
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đề nghị Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập chuẩn bị hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành.