(SGGP).- Trong bối cảnh nhiều nơi ở Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ đang bị hạn hán kỷ lục, xâm nhập mặn sâu vào đất liền, ngày 6-4 tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về định giá nguồn nước và cung ứng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp do Bộ NN-PTNT tổ chức.
Trong đó, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là đề nghị cần chuyển đổi cơ chế quản lý và cung cấp nước từ bao cấp sang quản lý và cung cấp theo cơ chế thị trường, để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm nguồn nước ngọt. Đây là mô hình mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã áp dụng từ khá lâu. Theo ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, tại Việt Nam, mặc dù khoảng 10 năm nay đã có chính sách hỗ trợ thủy lợi phí (miễn thủy lợi phí) để giảm gánh nặng cho người dân nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc quản lý sử dụng nước chưa hợp lý đã dẫn tới tình trạng thiếu nước ở nhiều nơi… thì cần thiết phải xem xét và tính toán việc trả lệ phí hoặc tính phí theo giá cả thị trường, giá sử dụng nước được tính theo khối lượng sử dụng, hoặc theo phương thức cung cầu giữa người cung cấp và người có nhu cầu sử dụng nước.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cũng cho rằng, tại các vùng đang bị hạn hán nghiêm trọng, hiện nay việc quản lý và khai thác, vận hành công trình thủy lợi vẫn còn nhiều yếu kém. Tình trạng hạn hán, thiếu nước có thể khắc phục nếu có sự tham gia đầu tư và vận hành của khu vực tư nhân vào hệ thống thủy lợi, đặc biệt qua đó có thể nâng cao ý thức của mỗi người dân về việc sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn nước ngọt.
Cùng ngày, Sở TN-MT TPHCM, Sở GTVT TPHCM phối hợp cùng Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), Dự án biến đổi khí hậu - cấp nước ở ĐBSCL và TPHCM tổ chức hội thảo chuyên sâu về “Hồ trữ nước đảm bảo cung cấp nước an toàn cho TPHCM”.
Hội thảo cho biết, vào mùa khô, những nguồn cấp nước chính cho TPHCM như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn đều bị tình trạng nhiễm mặn. Chất lượng nước của hai con sông này khá thấp do hàm lượng chất hữu cơ cao. Bên cạnh đó, số lượng trực khuẩn, E.coli, độ đục, hàm lượng mangan… đều vượt chuẩn cho phép của Việt Nam cũng như của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nước cấp cho cộng đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, TPHCM đang ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước biển dâng, do vậy cần nhanh chóng “cứu” các nguồn nước thô (chủ yếu cung cấp nước cho cộng đồng thành phố) bằng việc xem xét thiết kế, xây dựng hồ trữ nước đa năng nhằm phục vụ cho việc sản xuất, cung ứng nước sạch. Mục đích của hồ dự trữ nước thô (ít ngày hoặc nhiều ngày) nhằm cải thiện và tăng sự ổn định của chất lượng nước trước khi được xử lý tại nhà máy. Trong đó, hồ trữ nước nhiều ngày đảm bảo các yếu tố: quá trình sơ lắng nước trước khi đưa vào xử lý giúp giảm và ổn định độ đục; cho phép quá trình tự lọc giúp cải thiện chất lượng nước; các hạt nhỏ và vi sinh vật không thể lọt vào nước cấp cho khách hàng…
Nguồn: Báo SGGP.