Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Liên hợp quốc, một thoả thuận quốc tế được nhiều nước tham gia ký kết nhất ngay trong ngày đầu tiên của thời hạn 1 năm ký kết (thời hạn ký kết Thoả thuận Paris bắt đầu từ 22 tháng 4 năm 2016 đến 21 tháng 4 năm 2017).
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Ban Ki Moon nhấn mạnh Ngày Trái đất (22 tháng 4) đã trở thành ngày lịch sử với việc Thoả thuận Paris được ký kết.
“Hôm nay, tại Phòng họp này, chúng ta đã phá nhiều kỷ lục, đó là một thông tin tốt. Tuy nhiên, ở bên ngoài kia, nhiều kỷ lục khác cũng đang bị phá vỡ, đó là kỷ lục về tăng nhiệt độ, băng tan, kỷ lục về nồng độ khí CO2 trong khí quyển. Chúng ta phải chạy đua với thời gian. Cánh cửa để hướng tới mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C, chưa nói gì đến mục tiêu 1,5 độ C, đang đóng lại rất nhanh,” Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon nhấn mạnh. Vì vậy, theo ông, các nước cần nhanh chóng tham gia thực hiện Thoả thuận ở cấp quốc gia để Thoả thuận nhanh chóng có hiệu lực.
Tổng thống Pháp Francois Hollande – người đầu tiên được mời ký Thỏa thuận – đã điểm qua những thiệt hại to lớn do thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu gây ra trên phạm vi toàn cầu, đồng thời kêu gọi các bên sớm phê chuẩn để Thoả thuận sớm có hiệu lực. Về phần mình, Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh cam kết của Pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế, tích cực đóng góp, hỗ trợ việc chống hoang mạc hoá, các hoạt động thích ứng trên phạm vi toàn cầu.
Cũng trong Lễ ký, Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ các bên đã nhấn mạnh đến các cơ hội về chuyển đổi kinh tế, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và việc làm được tạo ra từ việc thực thi thoả thuận này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà ký kết Thỏa thuận Paris
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: “Việc ký kết Thoả thuận Paris là một bước tiến quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu như đã thống nhất tại Hội nghị COP21. Việt Nam tin rằng đây là khởi đầu của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cacbon thấp và có sức chống chịu với biến đổi khí hậu mà chúng ta mong muốn hướng tới”.
Đồng thời Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu ra ba đề xuất như sau:
“Thứ nhất, các cơ chế công nghệ và tăng cường năng lực và tài chính đã được thiết lập cần phải được vận hành đầy đủ nhằm cung cấp đầy đủ các công cụ để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, tất cả các nước cần phát huy những nỗ lực cao nhất và tham vọng để thực hiện dự định đóng góp do quốc gia xác định (INDCs) để đạt được các mục tiêu của Thoả thuận Paris. Trong khi đó, các cam kết trước năm 2020 phải được thực hiện để tránh khoảng trống làm cho biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.
Thứ ba, các nước phát triển phải thể hiện vai trò đi đầu bằng cách không chỉ thực hiện các cam kết trong INDCs của mình mà còn huy động và cung cấp nguồn tài chính cho phát triển và chuyển giao công nghệ,tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để thực hiện INDCs và các dự án không hối tiếc, về cả thích ứng và giảm nhẹ.”
Đồng thời, Bộ trưởng cho biết trong năm 2016, Việt Nam sẽ cố gắng phê chuẩn Thoả thuận này đồng thời nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đã nêu trong Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định đã được đệ trình trước Hội nghị COP21.
Cũng trong khuôn khổ Lễ ký kết, Bộ trưởng đã đồng chủ trì phiên họp toàn thể tổ chức tại Phòng họp ECOSOC để các các nước phát biểu về kế hoạch, lộ trình thực hiện Thoả thuận Paris.
Bên lề sự kiện quan trọng này, Đoàn công tác Việt Nam cũng đã tham dự cuộc họp Ban chỉ đạo của Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế do Ấn Độ và Pháp đồng tổ chức.
Nguồn: Website Bộ TN&MT.