PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng
|
* Trong thời gian qua, nhiều phương pháp và mô hình đã được nghiên cứu ứng dụng để cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam. Vậy thưa ông, kịch bản lần này có những điểm gì mới so với bản cập nhật trước đây?
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng: Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phiên bản năm 2016 có những điểm mới quan trọng so với phiên bản năm 2012, ví dụ như:
Cập nhật số liệu đến năm 2014, bao gồm: Số liệu của 150 trạm quan trắc trên đất liền và hải đảo thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia; Số liệu mực nước biển của 17 trạm hải văn ven biển và hải đảo; Số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh; Số liệu địa hình của bản đồ tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000 được đo đạc bởi các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
|
* Trong thời gian qua, nhiều phương pháp và mô hình đã được nghiên cứu ứng dụng để cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam. Vậy thưa ông, kịch bản lần này có những điểm gì mới so với bản cập nhật trước đây?
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng: Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phiên bản năm 2016 có những điểm mới quan trọng so với phiên bản năm 2012, ví dụ như:
Cập nhật số liệu đến năm 2014, bao gồm: Số liệu của 150 trạm quan trắc trên đất liền và hải đảo thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia; Số liệu mực nước biển của 17 trạm hải văn ven biển và hải đảo; Số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh; Số liệu địa hình của bản đồ tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000 được đo đạc bởi các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sử dụng các kết quả cập nhật nhất của các mô hình khí hậu toàn cầu (thuộc dự án “Đối chứng các mô hình khí hậu lần thứ 5”. Một trong những điểm mới đáng chú ý là trong cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng lần này dựa trên cách tiếp cận mới về kịch bản phát thải là kịch bản phát thải chuẩn (Benchmark emissions scenarios) hay đường nồng độ khí nhà kính đại diện “Representative Concentration Pathways - RCP) và thời kỳ cơ sở được lựa chọn để so sánh là 1986 - 2005, thay cho thời kỳ 1980 - 1999 như lần công bố trước đây.
Sử dụng phương pháp chi tiết hóa động lực dựa trên 5 mô hình khí hậu khu vực độ phân giải cao, bao gồm: AGCM/MRI, PRECIS, CCAM, RegCM và clWRF. Tổng cộng có 16 phương án tính toán.
Sử dụng phương pháp thống kê để hiệu chỉnh kết quả tính toán của các mô hình động lực theo số liệu thực đo tại các trạm quan trắc nhằm phản ánh điều kiện cụ thể của địa phương và giảm sai số hệ thống của mô hình.
Kịch bản biến đổi khí hậu và một số cực trị khí hậu được xây dựng chi tiết cho 63 tỉnh/thành phố, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và chi tiết cho 150 trạm (tương đương cấp huyện).
Kịch bản nước biển dâng được xây dựng chi tiết cho 28 tỉnh ven biển, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng được xây dựng cho các khu vực đồng bằng, ven biển, các đảo và quần đảo của Việt Nam. Mức độ chi tiết của bản đồ nguy cơ ngập phụ thuộc vào tỷ lệ của bản đồ địa hình. Đối với các khu vực có bản đồ địa hình tỷ lệ 1:2000, mức độ chi tiết của bản đồ nguy cơ ngập là đến cấp xã.
Kịch bản xác định mức độ tin cậy của các kết quả tính toán khí hậu và nước biển dâng trong tương lai theo các khoảng phân vị. Đồng thời cung cấp các bộ dữ liệu về kết quả tính toán để phục vụ nhu cầu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và rủi ro khí hậu.
* Xin ông cho biết một số đặc điểm chính quan trọng của kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016?
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng: Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016 có thể được tóm tắt như sau: Nhiệt độ ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986-2005), với mức tăng lớn nhất là khu vực phía Bắc: Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ 21, ở phía Bắc nhiệt độ tăng chủ yếu từ 1,9 ÷2,4oC và ở phía Nam từ 1,7 ÷1,9oC; theo kịch bản RCP8.5, nhiệt độ tương ứng tăng 3,3÷4,0oC ở phía Bắc và 3,0÷3,5oC ở phía Nam.Nhiệt độ thấp nhất trung bình và cao nhất trung bình có xu thế tăng rõ rệt.
Lượng mưa năm có xu thế tăng trên phạm vi toàn quốc so với thời kỳ cơ sở ở tất cả các kịch bản: Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm có mức tăng phổ biến từ 5 ÷15%.Theo kịch bản RCP8.5, mức tăng nhiều nhất có thể trên 20% ở hầu hết diện tích Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, một phần diện tích Nam Bộ và Tây Nguyên.Lượng mưa mùa khô ở một số vùng có xu thế giảm. Lượng mưa 1 ngày lớn nhất trung bình có xu thế tăng trên toàn lãnh thổ Việt Nam với mức tăng phổ biến từ 10 ÷70% so với trung bình thời kỳ cơ sở.
Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới yếu và trung bình có xu thế giảm nhẹ hoặc ít thay đổi, nhưng bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng.
Gió mùa mùa hè khu vực Đông Á trong đó có Việt Nam bắt đầu sớm hơn, ngày kết thúc muộn hơn hoặc ít thay đổi. Mưa cực đoan trong thời kỳ hoạt động của gió mùa mùa hè có khả năng tăng.
Số ngày rét đậm, rét hại các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đều giảm. Số ngày nắng nóng (số ngày nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 35oC) có xu thế tăng trên phần lớn diện tích cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung Bộ. Hạn hán có thể trở nên khắc nghiệt hơn ở một số vùng do nhiệt độ tăng và khả năng giảm lượng mưa trong mùa khô.
Theo kịch bản RCP4.5, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với giá trị tương ứng là 58cm (36cm÷80cm) và 57cm (33cm÷83cm); các khu vực Móng Cái - Hòn Dáu và Hòn Dáu - Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 53cm (32cm ÷75cm). Theo kịch bản RCP8.5 mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với giá trị tương ứng là 78cm (52cm÷107cm) và 77cm (50cm÷107cm); các khu vực Móng Cái - Hòn Dáu, Hòn Dáu - Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 72cm (49cm÷101cm).
Nếu nước biển dâng 1m, khoảng 16,05% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích Tp. Hồ Chí Minh, 39,40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập. Cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao. Nguy cơ ngập đối với quần đảo Trường Sa là không lớn. Cụm đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn, nhất là cụm đảo Lưỡi Liềm và Tri Tôn.
Theo kịch bản mới nhất, nhiệt độ ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng
* Thưa ông, tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng: Biến đổi khí hậu đã và đang có những tác động đáng kể đến đời sống con người và môi trường tự nhiên. Số liệu quan trắc cho thấy nhiệt độ bề mặt trung bình năm trên phạm vi toàn cầu liên tục tăng và liên tiếp phá kỷ lục năm nóng nhất trong 3 năm gần đây nhất (2010, 2014, 2015).
Do tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây các hiện tượng thời tiết bất thường (thời tiết, khí hậu cực đoan) xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn.
Các kỷ lục về nhiệt độ trung bình cũng như nhiệt độ tối cao liên tục được ghi nhận từ năm này qua năm khác. Một ví dụ điển hình như tại trạm Con Cuông (Nghệ An), nhiệt độ cao nhất quan trắc được trong đợt nắng nóng năm 1980 là 42oC, vào năm 2010 là 42,2oC và vào năm 2015 là 42,7oC.
Từ năm 2000 đến nay, khô hạn gay gắt hầu như năm nào cũng xảy ra. Vào năm 2010 mức độ thiếu hụt dòng chảy trên hệ thống sông, suối cả nước so với trung bình nhiều năm từ 60 ÷ 90%, mực nước ở nhiều nơi rất thấp, tương ứng với tần suất lặp lại 40 ÷ 100 năm. Năm 2015 mùa mưa kết thúc sớm, dẫn đến tổng lượng mưa thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm trên phạm vi cả nước, đặc biệt là ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Năm 2008 miền Bắc trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày từ 13/1 đến 20/2, băng tuyết xuất hiện trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), nhiệt độ có giá trị -2 và -3oC. Mùa đông 2015-2016, rét đậm, rét hại diện rộng ở miền Bắc, tuy không kéo dài nhưng nhiệt độ đạt giá trị thấp nhất trong 40 gần đây; tại các vùng núi cao như Pha Đin, Sa Pa hay Mẫu Sơn, nhiệt độ thấp nhất dao động từ -5 đến -4oC; băng tuyết xuất hiện nhiều nơi, đặc biệt là ở một số nơi như Ba Vì (Hà Nội) và Kỳ Sơn (Nghệ An) có mưa tuyết lần đầu tiên trong lịch sử.
Trong những năm gần đây, mưa lớn xảy ra bất thường hơn cả về thời gian, địa điểm, tần suất và cường độ. Ví dụ như mưa lớn kỷ lục ở Hà Nội và lân cận, với lượng mưa quan trắc được từ 19 giờ ngày 30/10/2008 đến 01 giờ ngày 1/11/2008 lên tới 408mm tại trạm Hà Nội. Mưa lớn vào tháng 10/2010 ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình với tổng lượng mưa 10 ngày dao động từ 700 ÷ 1600mm, chiếm trên 50% tổng lượng mưa năm. Trận mưa lớn ở Quảng Ninh vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/2015 đã lập kỷ lục cường độ mưa tập trung trên phạm vi hẹp; cụ thể, trong cả đợt mưa từ 23/07 đến 04/08, tổng lượng mưa đo được dao động từ 1000 ÷ 1300mm, riêng tại Cửa Ông lượng mưa đo được gần 1600mm. Mưa lớn không chỉ xảy ra trong mùa mưa mà ngay cả trong mùa khô, đợt mưa trái mùa từ ngày 24 đến 27/3/2015 ở Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biển từ 200 ÷ 500mm.
Tháng 3/2012, bão Pakhar đổ bộ vào miền Nam Việt Nam với cường mạnh nhất theo số liệu qua trắc được. Bão Sơn Tinh (10/2012) và Hải Yến (10/2012) có quỹ đạo khác thường khi đổ bộ vào miền Bắc vào cuối mùa bão. Năm 2013 có số lượng bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam đạt kỷ lục (8 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới).
* Ông có khuyến nghị gì về việc sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016 cho Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Văn Thắng: Việc sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam trong đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương với các tiêu chí: (i) Tính đặc thù (của ngành, lĩnh vực, địa phương,…); (ii) Tính đa mục tiêu; (iii) Tính hiệu quả nhiều mặt (kinh tế, xã hội, môi trường); (iv) Tính bền vững; (v) Tính khả thi, khả năng lồng ghép với các chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển.
Khi áp dụng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho địa phương, các bước sau đây được khuyến nghị: (i) Xác định các thông số khí hậu quan trọng đối với ngành và đối tượng nghiên cứu phù hợp với địa phương; (ii) Chọn kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho địa phương từ kịch bản quốc gia; (iii) Sử dụng các mô hình thủy văn, thủy lực và các mô hình đánh giá tác động nhằm cung cấp những thông tin đầu vào quan trọng khác như sự thay đổi chế độ dòng chảy, ngập lụt, xâm nhập mặn, nước dâng do bão, biến đổi đường bờ,… phục vụ xây dựng và triển khai kế hoạch hành động.
Việc triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu không nhất thiết phải tiến hành đại trà ở quy mô thế kỷ, mà cần phải có sự phân kỳ thực hiện; cần phải xác định được mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn, nguồn lực có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp nhất.
Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu năm 2015 đã thành công với việc thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều thống nhất hành động để giữ cho nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ tăng ở dưới mức 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này có nghĩa là kịch bản RCP4.5 rất có nhiều khả năng xảy ra hơn so với các kịch bản RCP khác. Vì vậy, kịch bản RCP4.5 có thể được áp dụng đối với các tiêu chuẩn thiết kế cho các công trình mang tính không lâu dài và các quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn. Kịch bản RCP8.5 cần được áp dụng cho các công trình mang tính vĩnh cửu, các quy hoạch, kế hoạch dài hạn.
Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng luôn tồn tại những điểm chưa chắc chắn vì còn phụ thuộc vào việc xác định các kịch bản phát thải khí nhà kính (sự phát triển kinh tế ở quy mô toàn cầu, mức tăng dân số và mức độ tiêu dùng của thế giới, chuẩn mực cuộc sống và lối sống, tiêu thụ năng lượng và tài nguyên năng lượng toàn cầu, vấn đề chuyển giao công nghệ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, việc thay đổi sử dụng đất…), những hiểu biết còn hạn chế về hệ thống khí hậu toàn cầu và khu vực, quá trình tan băng, phương pháp xây dựng kịch bản... Do đó, khi sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu trong đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, người sử dụng cần xem xét và phân tích cẩn thận mọi khả năng xảy ra của khí hậu tương lai. Người sử dụng nên tham vấn ý kiến chuyên gia khí hậu và các chuyên gia khác để xác định các giá trị cũng như khoảng biến đổi phù hợp nhất để sử dụng trong quá trình lập kế hoạch.
Mô hình khí hậu đang được tiếp tục phát triển để nâng cao mức độ chắc chắn của kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ được tiếp tục cập nhật theo lộ trình của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Vì thế việc đánh giá tác động và khả năng bị tổn thương cần được rà soát, cập nhật khi kịch bản mới được công bố.
Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu năm 2015 đã đề nghị IPCC vào năm 2018 công bố báo cáo đặc biệt về kịch bản nồng độ khí nhà kính và các tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Việt Nam cũng sẽ có các cập nhật tương ứng.
Nguồn: Website Bộ TN&MT.