Xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển là chủ trương xuyên suốt của TPHCM trong gần 20 năm nay. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội đã ra đời từ chủ trương này. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, kết quả vẫn còn ít so với nguồn lực của xã hội có thể tạo ra.
Cụ thể cơ chế kêu gọi đầu tư
Dự án xây dựng Công viên Văn hóa quận Gò Vấp đã được đưa ra kêu gọi xã hội hóa đầu tư từ nhiều năm qua. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện nay, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM mới gút được một số điều kiện hợp tác với nhà đầu tư và đang báo cáo, xin ý kiến thành phố về dự án này. Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT, trước đây khi dự án được giao cho địa phương quản lý, quận Gò Vấp đã có nhiều nỗ lực trong việc kêu gọi đầu tư. Thế nhưng vì nhiều nguyên do, mà một trong số đó là không có “chuẩn” nào cho địa phương đàm phán với nhà đầu tư, nên dự án cứ dây dưa mãi. Vì là xây dựng công viên nên chính quyền địa phương muốn giữ lại nhiều mảng xanh cho người dân, nhưng phía nhà đầu tư là doanh nghiệp (DN) thì phải đặt lợi ích lên hàng đầu. Họ luôn muốn có được nhiều diện tích trong công viên để kinh doanh nhằm bù đắp lại chi phí đã bỏ ra. Không ai sai trong chuyện này nhưng trong những tình huống “nhạy cảm” nêu trên, không có “trọng tài”, quả khó đưa ra được tỷ lệ phân chia cuối cùng.
Xa lộ Hà Nội, cửa ngõ phía Đông thành phố sau khi mở rộng Ảnh: CAO THĂNG
Chưa có thống kê trên tất cả các lĩnh vực về kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa của TPHCM, nhưng danh sách những dự án hoặc những chương trình, kế hoạch dự kiến được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, chậm triển khai khá dài. Tất cả đều có một nguyên nhân chung: thiếu cơ chế chính sách cụ thể để thực hiện. Hơn 2 năm trước, quy chế quản lý, kiến trúc 3 tuyến đường huyết mạch, quan trọng bậc nhất thành phố là Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng và xa lộ Hà Nội do Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) thực hiện đã được UBND TPHCM phê duyệt. Thế nhưng, theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin Quy hoạch thuộc Sở QHKT, từ đó đến nay, cả 3 quy chế này chỉ giúp các địa phương có thêm căn cứ cấp phép xây dựng cho người dân, còn mục tiêu lớn nhất của 3 quy chế là giúp thành phố kêu gọi đầu tư chỉnh trang đô thị dọc 3 tuyến đường thì chưa đạt hiệu quả. “Thiếu cơ chế cụ thể kêu gọi DN đầu tư là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng nêu trên”, ông Huỳnh Xuân Thụ khẳng định.
Dạo bước trên vỉa hè của 3 tuyến đường nêu trên, một kiến trúc sư xin được phép giấu tên không khỏi xót xa khi thấy nằm dọc 3 tuyến đường được xây dựng rất hiện đại, hiện có rất nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo và dị dạng. “Những năm gần đây, thị trường địa ốc bị đóng băng, việc kêu gọi đầu tư, chỉnh trang đô thị quả không dễ. Thế nhưng, nếu có cơ chế ưu đãi tốt, TPHCM vẫn có thể kêu gọi DN đầu tư vào đây”, vị kiến trúc sư này nhận xét. Theo ông, thời gian đầu, thành phố có thể bị thiệt hại ít nhiều khi đưa ra các tiêu chí ưu đãi lớn cho nhà đầu tư. Song về lâu dài, hiệu quả thu được từ chỉnh trang đô thị chắc chắn sẽ bù đắp đủ cho thành phố về những “thiệt hại” (nếu có) khi ưu đãi mạnh cho nhà đầu tư.
Đơn giản hóa thủ tục
Sau hơn chục năm chuẩn bị cho dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới sân khấu Trống Đồng, Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương tưởng đã có thể triển khai xây dựng, song không phải vậy. Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, cho hay theo quy định mới nhất tại Điều 23 và Điều 41 của Nghị định 59/NĐ-CP ngày 18-6-2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, để được cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải được Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kế. Hồ sơ thiết kế gồm thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế cơ sở… Trong khi đó, theo Nghị định 64/NĐ-CP được ban hành trước đó, cũng về nội dung trên, Bộ Xây dựng chỉ thẩm định thiết kế cơ sở. Điều đáng nói, thiết kế bản vẽ thi công của một công trình lớn như bãi đậu xe ngầm sức chứa hàng ngàn xe ô tô, xe gắn máy 2 bánh cùng các trung tâm thương mại như Trống Đồng có đến mấy trăm bản vẽ. Tư vấn thiết kế của dự án đã phải mất đến nửa năm mới hoàn thành hết các bản vẽ thi công. Bộ Xây dựng sẽ phải mất bao nhiêu ngày mới thẩm định hết số bản vẽ này? Chưa kể, với những dự án quan trọng như trên, thường các nhà đầu tư đã thuê tư vấn có uy tín của nước ngoài thiết kế, Bộ Xây dựng có cần thiết thẩm định lại? Chỉ cần có một chút khác biệt, Bộ Xây dựng yêu cầu chỉnh sửa, chủ đầu tư sẽ phải mất thêm vài tháng để thuê tư vấn làm lại. Chủ đầu tư phải tốn kém chi phí và thời gian để xin phê duyệt là thế, nhưng câu kết luận của Bộ Xây dựng trong các văn bản phê duyệt đều có dòng chữ đại ý “DN phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về chất lượng công trình”, vậy thì công việc thẩm định của Bộ Xây dựng ở đây có vai trò gì? “DN đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào dự án, gần chục năm “sống, chết” với dự án, hơn ai hết, họ lo cho chất lượng công trình của mình, tại sao Bộ Xây dựng không thể tin tưởng họ?”, bà Bảo Quỳnh đặt câu hỏi.
Không chỉ có dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương bị kéo dài thời gian thực hiện, theo Sở GTVT, nhiều công trình đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông thực hiện theo chủ trương xã hội hóa cũng bị ảnh hưởng. Vấn đề này thuộc trách nhiệm các bộ, ngành, song để thu hút hơn nữa DN tham gia đầu tư, TPHCM cần đồng hành với DN kiến nghị các bộ, ngành giảm bớt các thủ tục rườm rà, cản ngại cho quá trình thực hiện dự án.
Cũng phải nói, việc đơn giản hóa thủ tục không phải chuyện riêng của các bộ ngành, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, thủ tục đầu tư ở các sở, ngành của TPHCM cũng rắc rối không kém. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính ở nhiều sở, ngành của thành phố rất ít khi đúng hẹn.
Cân đối quyền lợi của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, Sở QHKT đang nghiên cứu xây dựng thêm khoảng 90 quy chế quản lý kiến trúc cho 90 khu vực, tuyến đường quan trọng khác của TP. “Đây là việc làm cần thiết nhưng các đồ án quy hoạch, các quy chế quản lý kiến trúc được vẽ ra mà không có cơ chế thực hiện sẽ trở nên vô nghĩa. Chưa kể, chúng còn làm tốn khoản tiền lớn cho việc nghiên cứu, lập quy hoạch”, ông Huỳnh Xuân Thụ nói. Ở góc độ các DN kinh doanh bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cũng cho rằng một cơ chế kêu gọi đầu tư là rất cần thiết để các DN kinh doanh bất động sản có thể tham gia đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị với thành phố. Tốt nhất, TPHCM nên “mời” các DN kinh doanh bất động sản cùng “ngồi” với các sở, ngành chức năng, cùng xây dựng nên quy chế kêu gọi đầu tư chỉnh trang đô thị. Nếu được cân đối ngay từ đầu quyền lợi của người dân, Nhà nước, nhà đầu tư, việc triển khai trong thực tế sẽ nhanh hơn.
Nguồn: Báo SGGPO.