*Chưa đáp ứng yêu cầu
Vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong khi đó, hiện nay, mạng lưới quan trắc môi trường của các tỉnh, thành phố trong cả nước đều chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, mạng lưới trạm quan chắc hiện có của các địa phương chưa phản ánh hết xu thế, diễn biến chất lượng môi trường. Số vị trí quan trắc môi trường chỉ được thực hiện ở một số vùng, địa điểm đặc trưng. Việc quan trắc đa dạng sinh học, nước thải, khí thải, chất thải rắn và quan trắc chuyên đề chưa thực hiện một cách đồng bộ và đầy đủ; thiếu các quan trắc chuyên đề như quan trắc chất thải, đa dạng sinh học, hệ sinh thái…
Hầu hết các tỉnh chưa có các trạm quan trắc tự động, ngoài các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, “với kinh phí và máy móc thiết bị như hiện nay, việc quan trắc bụi thủy ngân trong không khí ở Hà Nội cũng không thực hiện được”.
Hay theo báo cáo mới đây của Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, tất cả các trạm quan trắc môi trường tự động của thành phố đều đã bị hư hỏng hoàn toàn từ năm 2012. Còn Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hải Phòng thì cho biết, trên địa bàn thành phố hiện chỉ có 8 điểm quan trắc không khí, 16 điểm quan trắc nước mặt, chưa có điểm quan trắc tự động, chưa có các trạm quan trắc nước ngầm, nước biển ven bờ và đất….
* Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng
Tin vui với cư dân Thủ đô là mới đây, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã quyết định hỗ trợ Hà Nội thực hiện Dự án viện trợ các trạm quan trắc môi trường tự động. Theo đó, 80 trạm quan trắc môi trường tự động được triển khai lắp đặt trên toàn thành phố. Khi dự án hoàn thành, hàng ngày người dân sẽ được thông báo về tình trạng môi trường, không khí, mức độ ô nhiễm, bụi bẩn từng khu vực.
Cùng với đó, triển khai quy hoạch mạng lưới quan trắc đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ duy trì mạng lưới 1.258 điểm (2 trạm tự động liên tục, 716 điểm quan trắc định kỳ chủ động và 540 điểm quan trắc thụ động). Đồng thời quy hoạch mới thêm 539 điểm (7 trạm quan trắc tự động liên tục, 176 điểm quan trắc định kỳ chủ động và 176 điểm quan trắc thụ động).
Để ghi nhận chính xác số liệu ô nhiễm môi trường trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố đầu tư xây dựng 27 trạm quan trắc tự động và 225 trạm bán tự động.
Tỉnh Bình Phước cũng xác định sẽ bổ sung 59 điểm quan trắc môi trường không khí, 73 điểm quan trắc môi trường nước mặt và nước ngầm, và 16 điểm quan trắc chất lượng đất, để đảm bảo mật độ 4,2km/1 điểm quan trắc.
Từ nay đến năm 2025, TP Hải Phòng cũng dự kiến nâng số điểm quan trắc không khí từ 9 điểm lên 32 điểm; số điểm quan trắc môi trường nước mặt tăng từ 22 lên 37 điểm. Mạng lưới quan trắc nước biển ven bờ tăng từ 4 lên 14 điểm, đặc biệt. Hải Phòng cũng phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 3 điểm quan trắc môi trường tự đông, 22 điểm quan trắc môi trường đất, 26 điểm quan trắc môi trường nước ngầm; bổ sung thêm điểm quan trắc môi trường không khí tại các Khu công nghiệp, các làng nghề và khu vực bãi rác và tại các nút giao thông có lưu lượng phương tiện giao thông lớn…
Các tỉnh, thành trong cả nước đang quyết tâm đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cho mạng lưới quan trắc thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh.
Mục tiêu chung của các quy hoạch này đều hướng tới bảo đảm về không gian (khoảng cách lấy mẫu), thời gian (số lần đo đạc hoặc lấy mẫu để xét nghiệm), tần suất lấy mẫu,… thông qua đó thu thập, cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản tốt hơn. Đây là cơ sở tiên quyết để kiểm soát, phòng chống ô nhiễm môi trường, giám sát nguồn thải cũng như theo dõi kịp thời sự biến đổi chất lượng môi trường, làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch quản lý môi trường phù hợp với từng địa phương. Đồng thời, phù hợp với quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên – môi trường quốc gia giai đoạn 2016- 2025 đã được Chính phủ ban hành đầu năm 2016.
Nguồn: Website Bộ TN&MT.