Hiện nay, công tác cấp Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ tại các nước ngày càng được chuẩn bị kỹ lưỡng cả về mặt nội dung và thực hiện. Trong đó, có một số quốc gia đã ban hành những văn bản rất chi tiết và bài bản về công tác này như Hoa Kì, Singapo, Tây Ôxtrâylia, Philipin v.v. Điểm chung trong việc thực hiện cấp Chứng chỉ hành nghề của các quốc gia này đó là chú trọng vào trình độ chuyên môn, năng lực cũng như kinh nghiệm hành nghề của các cá nhân, điều này sẽ được kiểm chứng thông qua bằng cấp chuyên môn được cấp bởi một trường đào tạo chính quy do Hội đồng cấp Chứng chỉ công nhận.
Tuy nhiên, do đặc thù của mỗi quốc gia khác nhau, cho nên việc cấp Chứng chỉ hành nghề của mỗi nước sẽ có những điểm khác biệt. Như ở Hoa Kì quy định rất rõ điều kiện, thời hạn và lệ phí xin cấp chứng chỉ của cá nhân. Cụ thể là cá nhân phải có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực làm việc, đã trải qua ít nhất 25 giờ của khoá học từ một trường được Hội đồng công nhận, với người nhập cư muốn xin cấp Chứng chỉ phải có chứng nhận về trình độ Tiếng Anh, thời hạn của chứng chỉ là 2 năm và nếu muốn gia hạn phải trải qua các khoá học tại cơ sở giáo dục chính quy. Còn tại Singapo, người xin cấp Chứng chỉ hành nghề phải đạt được các điều kiện bằng cấp được yêu cầu hoặc phải trải qua các kỳ kiểm tra được Hội đồng cấp Chứng chỉ coi là tương đương với các bằng cấp đó. Các môn thi trong kỳ thi cấp Chứng chỉ đều được quy định cụ thể. Hàng năm, số lượng xin cấp Chứng chỉ của Singapo tuy không nhiều nhưng các kỳ thi của Hội đồng Đo đạc đất đai Singapo (LBS) thường rất khó khăn. Thậm chí, sau khi đã được cấp Chứng chỉ, những người đã được cấp Chứng chỉ đều phải đăng ký học để bổ sung các kiến thức mới do LBS tổ chức.
Mặc dù vậy, không phải quốc gia nào cũng bắt buộc các cá nhân phải trải qua kỳ thi cấp Chứng chỉ. Tại Tây Ôxtrâylia, các cá nhân có thể trình bày các dự án riêng của mình trước Hội đồng thay cho việc tham dự kỳ thi. Việc này cũng đòi hỏi các yêu cầu khắt khe nhằm chứng minh năng lực của cá nhân xin cấp Chứng chỉ, bởi các dự án được trình bày phải đủ mức độ phức tạp để chứng minh khả năng và kiến thức của họ trước Hội đồng, sau đó họ phải sắp xếp một cuộc phỏng vấn với người giám định về phạm vi, tính phức tạp của dự án. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ trong việc cấp Chứng chỉ hành nghề tại Tây Ôxtrâylia dành cho các cá nhân có kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực liên quan hoặc qua sự kiểm tra của Nhà nước, những người này sẽ không phải nộp dự án hay trải qua kỳ thi tương đương. Chứng chỉ hành nghề tại quốc gia này có hiệu lực trong vòng 3 năm.
Từ thực tế của các quốc gia trên thế giới, có thể thấy việc đào tạo, bồi dưỡng trong công tác cấp Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ là bắt buộc và các nước đều đòi hỏi sự xác nhận nghiêm túc về trình độ và năng lực chuyên môn của các cá nhân thông qua các kỳ thi hay sát hạch được tổ chức chặt chẽ và khoa học. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, những người đang hoạt động trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ mới chỉ được xác nhận năng lực và trình độ tại các trường Đại học, Cao đẳng được Nhà nước công nhận mà không phải trải qua các kì thi hay sát hạch hàng năm. Điều này làm suy giảm chất lượng thực hiện hoạt động đo đạc bản đồ do không có chế tài, quy định áp dụng việc kiểm tra, xác nhận trình độ mỗi cá nhân. Chưa kể, kiến thức xã hội và khoa học công nghệ luôn được phát triển và thay đổi, vì thế kiến thức được học tại nhà trường sẽ không thể đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu khắt khe trong khi thực hiện hoạt động đo đạc và bản đồ. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành thực hiện dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ, trong đó quy định cụ thể việc cấp Chứng chỉ hành nghề và các điều kiện để được cấp Chứng chỉ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đo đạc và bản đồ. Thực hiện tốt công tác cấp Chứng chỉ hành nghề sẽ góp phần đẩy mạnh và phát triển lĩnh vực đo đạc và bản đồ tại Việt Nam./.