Đã có 175/197 Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã ký Thỏa thuận Paris
Lễ ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu do Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chủ trì tổ chức tại New York, Hoa Kỳ theo Quyết định của Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP21). Đây là ngày đầu tiên của thời hạn 01 năm ký kết Thỏa thuận Pa-ri, bắt đầu từ ngày 22/4/2016 đến ngày 21/4/2017. Tham dự Lễ ký kết có Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Bộ trưởng, Đại diện thường trực của 175 Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong đó có 67 Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ các nước.
Mở đầu buổi lễ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã có bài phát biểu khai mạc khẳng định Thỏa thuận Paris là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và "là cách thức duy nhất để chúng ta cứu Trái Đất". Theo ông Ban Ki-moon, Thỏa thuận Paris kết hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 sẽ tạo ra sức mạnh để biến đổi thế giới.
Song song với Lễ ký kết Thỏa thuận, đại diện khối doanh nghiệp (đại diện của Ấn Độ), người bản địa (đại diện của Chad), thanh thiếu niên (đại diện của Tanzania) đã có những bài phát biểu nêu lên những đề xuất cho lộ trình hướng tới một kỷ nguyên mới ít khải thí carbon và ứng phó với sự biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra Lễ ký kết, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã tổ chức Sự kiện cấp cao về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn, trong thời gian công tác tại New York, Hoa Kỳ đã phối hợp với Phái đoàn thường trực Việt Nam ở Liên hợp quốc tích cực tham gia các phiên họp trong khuôn khổ Lễ ký kết. Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết Thỏa thuận Paris và phát biểu tham luận tại Lễ ký kết, trong đó Bộ trưởng đã nêu ra 3 đề xuất của Việt Nam đối với việc thực hiện Thỏa thuận Paris, bao gồm: (i) các cơ chế công nghệ và tăng cường năng lực và tài chính đã được thiết lập cần phải được vận hành đầy đủ nhằm cung cấp đầy đủ các công cụ để ứng phó với biến đổi khí hậu; (ii) tất cả các nước cần phát huy những nỗ lực cao nhất và tham vọng để thực hiện các Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDCs) để đạt được các mục tiêu của Thoả thuận Paris. Trong khi đó, các cam kết trước năm 2020 phải được thực hiện để tránh khoảng trống làm cho biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn; (iii) các nước phát triển phải thể hiện vai trò đi đầu bằng cách không chỉ thực hiện các cam kết trong các Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDCs) của mình mà còn huy động và cung cấp nguồn tài chính cho phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để thực hiện INDCs và các dự án không hối tiếc, về cả thích ứng và giảm nhẹ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Trưởng đoàn Việt Nam cũng đã được Ban tổ chức mời đồng chủ trì một phiên họp để nghe các nước phát biểu về kế hoạch phê chuẩn Thỏa thuận Paris, việc triển khai thực hiện INDCs. Đồng thời, Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự Cuộc họp Ban chỉ đạo quốc tế Liên minh Năng lượng Mặt trời.
Quyết tâm đưa Thỏa thuận Paris nhanh chóng có hiệu lực vào thực tế
Mặc dù thời hạn ký kết được xác định là 01 năm kể từ ngày 22/4/2016 đến ngày 21/4/2017, tuy nhiên đã có 175/197 Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã ký Thỏa thuận Paris ngay tại Lễ ký kết, trong đó có 15 Bên đã nộp Văn bản phê chuẩn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Liên hợp quốc, một Thoả thuận quốc tế có số nước tham gia ký cao nhất ngay trong ngày đầu tiên của thời ký kết. Điều đó cho thấy quyết tâm của các Bên trong việc đưa Thỏa thuận này có hiệu lực sớm, dù trên thực tế Thỏa thuận sẽ chỉ bắt đầu được thực hiện từ sau năm 2020.
Ngoài 15 nước đã phê chuẩn, 21 nước khác trong đó có các nước lớn phát thải lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, cũng đã thông báo dự kiến sẽ phê chuẩn Thỏa thuận này ngay trong năm 2016; đưa tổng số nước dự kiến sẽ phê chuẩn Thỏa thuận Paris trong năm nay lên con số 36, chiếm khoảng 49,67% lượng phát thải toàn cầu. Trong khi điều kiện để Thỏa thuận Paris có hiệu lực là có ít nhất 55 nước chiếm 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn, có thể thấy Thỏa thuân Paris sẽ sớm có hiệu lực ngay trong năm 2016 hoặc chậm nhất là trong năm 2017.
Phát biểu tại Lễ ký kết, các bên nước phát triển đề cập nhiều đến cơ hội hợp tác trong thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ về hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận là giữ cho mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất vào cuối thế kỷ này dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều đó cho thấy xu thế chủ đạo về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới giữa các nước sẽ là hợp tác về phát triển các-bon thấp và tăng trưởng xanh.
Đối với Việt Nam, một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu, việc tham gia ký kết Thỏa thuận Paris sẽ có nhiều tác động đến các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thực hiện Thỏa thuận này, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, điều cần thiết nhất là thay đổi cơ bản về nhận thức, hành vi, đạo đức và lối sống phù hợp với yêu cầu về kỷ nguyên xã hội các bon thấp trong khi nguồn lực và khoa học công nghệ còn rất nhiều hạn chế, thể chế chính sách.
“Việt Nam đã đặt ra mục tiêu bằng năng lực của chúng ta sẽ cắt giảm 8% tổng lượng hiệu ứng nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường đến năm 2030, đồng thời nếu có hỗ trợ quốc tế thì có thể cắt giảm tới 25%. Chúng ta cũng đưa ra kế hoạch cụ thể, nhu cầu về tài chính để thực hiện các hành động về thích ứng, phòng chống, giảm nhẹ hậu quả từ biến đổi khí hậu.
Việt Nam cần phải chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch và các giải pháp một cách bài bản, tổng thể để đạt được các mục tiêu đã cam kết. Đồng thời chủ động hội nhập và tận dụng tốt các cơ hội hợp tác với các đối tác thực hiện Thoả thuận lịch sử này và tạo ra một xã hội các bon thấp tốt nhất trong điều kiện của Việt Nam” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Trên cơ sở kết quả tham dự Lễ ký kết và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Pa-ri trong năm 2016; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Pa-ri trình Chính phủ xem xét quyết định.