Tại buổi tiếp hai bên đều đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Ngân hàng thế giới và Việt Nam cũng như với Bộ TN&MT trong các vấn đề về bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại buổi tiếp, ông John Roome, Giám đốc cao cấp về Biến đổi khí hậu (BĐKH) của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định tầm quan trọng của Bộ TN&MT trong việc kết nối các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế cùng nhau xây dựng và thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC); thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam cùng cộng đồng thế giới chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP21 và thực hiện nhiều hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại ViệtNam.
Tại cuộc gặp mặt lần này, ông John Roome mong muốn trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về các ưu tiên trong ứng phó với BĐKH của Việt Nam sau khi đã tham gia ký kết Thỏa thuận Paris cũng như cơ chế hợp tác giữa Ngân hàng thế giới và Bộ Tài nguyên và Môi trường để hỗ trợ hiệu quả cho công tác ứng phó với BĐKH tại Việt Nam trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi tiếp
Trao đổi với ông John Roome, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định rằng, Chính phủ Việt Nam đang thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên. Hiện nay, Bộ TN&MT cũng đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris từ 2020-2030 sẽ báo cáo Chính phủ trước tháng 10/2016.
Trong bối cảnh ấy, WB cùng một số nhà tài trợ khác của Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đang hỗ trợ Bộ TN&MT xây dựng Khung Chương trình SP-RCC giai đoạn II có lồng ghép vấn đề tăng trưởng xanh, giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, WB cũng đang hỗ trợ cho Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm tăng cường các công cụ lập quy hoạch, kế hoạch thích ứng với BĐKH, nâng cao khả năng chống chịu với BĐKH cho các hoạt động quản lý tài nguyên đất và nước tại một số tỉnh được lựa chọn tại khu vực ĐBSCL.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong giai đoạn tới, trong khuôn khổ hợp tác của với WB và các đối tác, Việt Nam chú trọng đến việc lập quy hoạch về tài nguyên nước, đất đai và môi trường lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của những vùng chịu nhiều tác động của BĐKH như ĐBSCL, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung… Trong đó, phải tính đến việc phân vùng kinh tế nước mặn, nước lợ và nước ngọt dựa vào điều kiện tự nhiên và lợi thế so sánh giữa từng vùng. Đồng thời, cần củng cố và nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông, khắc phục sạt lở bờ biển, bờ sông ở những khu vực xung yếu có ảnh hưởng lớn; bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn; tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng ứng phó với BĐKH… Đồng thời, cần thiết lập cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin về tài nguyên - môi trường và BĐKH cho toàn vùng để phục vụ hoạch định chính sách.
Bên cạnh các biện pháp thích ứng với BĐKH, Việt Nam cũng hết sức quan tâm đến thực hiện hành động giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình thực hiện Hiệp định Paris. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2030 sẽ sử dụng 30% năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tạo điều kiện phát triển cho thị trường tín chỉ cacbon theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) trong Nghị định thư Kyoto.
“Để thực hiện được những vấn đề trên, sự hỗ trợ về chuyển giao công nghệ, tài chính và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Vì vậy, Bộ TN&MT rất mong muốn WB luôn sát cánh, phối hợp hiệu quả trong điều phối liên ngành, liên vùng để thực hiện thành công nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho thế hệ hiện tại và các thế hệ mai sau” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Cảm ơn với những chia sẻ của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông John Roome khẳng định Ngân hàng thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện Chương trình SP-RCC và Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”; đồng thời, nghiên cứu, hợp tác với Bộ TN&MT trong điều phối liên ngành, liên vùng để giải quyết những vấn đề về thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông John Roome cũng đề xuất Việt Nam nên chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với BĐKH và các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm với các đối tác quốc tế và các nước trên thế giới tại Hội nghị COP22 sắp tới tại Ma-rốc.
Kết thúc buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và ông John Roome cảm ơn những tình cảm và hợp tác hiệu quả của hai bên dành cho nhau trong thời gian qua và cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa trong thực hiện Thỏa thuận Paris và ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.
Bộ TN&MT và WB cam kết tăng cường hợp tác trong thực hiện Thỏa thuận Paris và ứng phó với BĐKH tại Việt Nam