Luật đã quy định rõ
Nghị định 167/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12/11/2013 đã có những quy định, mức xử phạt rõ ràng đối với hành vi vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Không quét dọn rác, gây mất vệ sinh chung; Để nước chảy ra hè đường, nơi công cộng; Để rơi vãi hoặc không đảm bảo vệ sinh trong quá trình lấy, vận chuyển rác thải; Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường…
Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm về môi trường thay thế Nghị định 23/2009/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 30/12/2013 quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẫu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường là chính quyền, công an từ cấp phường, xã trở lên.
Kiên quyết với vi phạm nhỏ
Dù luật đã quy định rõ hình thức phạt, mức độ xử phạt, cơ quan có thẩm quyền phạt song hành vi xả rác bừa bãi vẫn ngang nhiên tồn tại như một “tập quán” trong số đông người dân. Nguyên nhân là do những người “được phép xử phạt” là cán bộ địa phương chưa thực sự nhận thức hết vai trò, tầm quan trọng của việc xử phạt, cho rằng khó và “lắt nhắt” nên thường “tránh” làm. Bên cạnh đó, cơ chế xử phạt chưa phù hợp, linh hoạt. Việc lập biên bản, rồi đi nộp phạt tại Kho bạc vừa “nhiêu khê”, vừa khó thực hiện.
Do vậy, để hành vi xả rác bừa bãi chấm dứt, các chế tài đề ra cần phải được thực hiện một cách nghiêm minh, nghiêm túc và nghiêm khắc với từng trường hợp cụ thể.
Đi tiên phong cho công tác tăng cường kỷ cương, bảo vệ môi trường này là Hà Nội. Mới đây, ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian tới sở này sẽ phối hợp với quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng xử phạt người dân vứt rác, xả rác bừa bãi trên đường phố, nơi công cộng. Người dân đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định cũng bị xử phạt.
Đồng tình với quyết định này, ông Hoàng Công Khôi - Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho rằng, đây là việc phức tạp, việc khó nhưng không phải là không làm được. “Để làm được điều đó, trong các tổ chức đảng phải quán triệt để thống nhất nhận thức và hành động, phải coi đây là cuộc cách mạng, coi đây là quyết tâm chính trị”, ông Khôi nhấn mạnh.
Kiên quyết với hành vi xả rác bừa bãi, tại TP.HCM, từ năm 2015, phường Đông Hưng Thuận (quận 12) còn gắn 6 camera trên cầu chợ Cầu (giáp ranh quận 12 và Gò Vấp) chống việc xả rác tràn lan kéo dài nhiều năm nay. Cùng với đó, TP.HCM xác định, đẩy mạnh công tác tuyền truyền, giúp người dân hình thành nếp sống văn minh đô thị.
Như vậy, bên cạnh việc thực thi nghiêm các hình thúc xử phạt thì việc tuyên truyền, giáo dục cao ý thức về bảo vệ môi trường của người dân được coi là biện pháp “mưa dầm thấm lâu”. Bởi nguyên nhân của việc vứt rác bừa bãi chủ yếu là do ý thức của người dân. Chỉ khi cảm thấy xả rác ra đường là hành vi đáng xấu hổ thì người dân mới tự thấy cần phải thay đổi văn hóa môi trường.
Nguồn: Website Bộ TN&MT.