(TN&MT) – Xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI); cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ là hai chính sách quan trọng được xây dựng mới trong Luật Đo đạc và Bản đồ.
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã tích cực, chủ động triển khai xây dựng dự thảo Luật đo đạc và bản đồ theo đúng quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong báo cáo Công tác xây dựng Luật đo đạc và bản đồ ngày 2/6/2016, Bộ TN&MT đã chỉ ra một số chính sách được xây dựng mới trong luật đo đạc và bản đồ; trong đó, đáng chú ý là xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI); cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ.
Về xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia nhấn mạnh sự cần thiết ban hành pháp luật về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Việc phát triển NSDI đã trở thành nhu cầu cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hoàn thiện hệ thống quản lý trong một xã hội thông tin. Đồng thời, thành lập cơ quan quốc gia quản lý hạ tầng dữ liệu không gian sẽ giúp phát triển đồng bộ và quản lý thống nhất hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia.
Ở nước ta, Nhà nước đã đầu tư khá nhiều kinh phí cho việc xây dựng dữ liệu không gian địa lý cơ bản và chuyên ngành. Tuy nhiên, các dữ liệu này không được cập nhật thường xuyên nên luôn bị lạc hậu so với thực tế đang tồn tại. Tình trạng chồng chéo, lãng phí trong xây dựng và sử dụng dữ liệu xảy ra trong các cơ quan nhà nước có trách nhiệm lưu trữ và quản lý thông tin do các dữ liệu còn chưa được kết nối trong một hạ tầng thông tin không gian thống nhất, chưa có cổng thông tin điện tử để công khai và cung cấp thông tin, dữ liệu và dịch vụ về thông tin, dữ liệu không gian địa lý…
|
Ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ phát biểu tại cuộc họp Ban soạn thảo và tổ biên tập dự án Luật Đo đạc và Bản đồ ngày 8/9/2015 |
Cộng đồng cung cấp và sử dụng thông tin không gian ở nước ta hiện nay chủ yếu là các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng dữ liệu không gian địa lý lại chưa có điều kiện kinh doanh dịch vụ về thông tin, dữ liệu không gian địa lý; người dân chưa được tiếp cận nhiều. Việc quy định pháp luật về xã hội hóa xây dựng, cung cấp và sử dụng thông tin, dữ liệu không gian địa lý là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tham gia chương trình xây dựng hạ tầng thông tin không gian khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chương trình thành lập bản đồ toàn cầu, nhóm địa danh của Liên Hợp Quốc. Cần có quy định pháp luật về hợp tác, trao đổi quốc tế về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang khẩn trương hoàn thiện Đề án “Thành lập Ủy ban Địa danh và Hạ tầng thông tin địa lý Quốc gia” trình Thủ tướng Chính phủ. Việc thành lập Ủy ban Quốc gia (UBQG) về địa danh NSDI sẽ tham mưu, giúp Chính phủ điều phối, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thống nhất về công tác chuẩn hóa và sử dụng địa danh; tổ chức xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; Thống nhất tiêu chuẩn, công nghệ và phát triển nguồn lực phục vụ công tác chuẩn hóa địa danh và thực hiện Hạ tầng dữ liệu không gian.
Việc thành lập Ủy ban Địa danh và Hạ tầng thông tin địa lý Quốc gia sẽ thúc đẩy và hướng dẫn sự phối hợp giữa các cơ quan, chính phủ, địa phương, các tổ chức và tư nhân trong chuẩn hóa và sử dụng địa danh; thu thập, sản xuất, chia sẻ và sử dụng dữ liệu không gian địa lý có hiệu quả. Điều phối thống nhất tránh trùng lặp, giảm chi phí của việc thu thập, lưu trữ và bảo trì dữ liệu không gian địa lý; thúc đẩy phát triển công nghệ của Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý và xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của quản lý công, đảm bảo công khai, minh bạch...
|
Xây dựng quy định pháp luật về cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ |
Hơn nữa, xây dựng quy định pháp luật về cấp chứng chỉ ngành nghề đo đạc và bản đồ cũng là một chính sách mới được xây dựng trong Luật đo đạc và bản đồ. Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ là điều kiện cần thiết để hội nhập khu vực và quốc tế trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, tiến tới tự do hóa thương mại dịch vụ đo đạc trong khu vực ASEAN. Nhờ đó, xây dựng các điều kiện pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy đàm phán, ký kết thỏa thuận song phương với các quốc gia thành viên ASEAN.
Quy định về cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ sẽ thể chế hóa chính sách quản lý năng lực chuyên môn của cá nhân người đo đạc, giúp Nhà nước thực hiện mục tiêu đảm bảo tốt nhất chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ. Chứng chỉ hành nghề còn cho phép cá nhân người đo đạc được hành nghề độc lập, góp phần xây dựng và phát triển thị trường đo đạc, thúc đẩy tiến trình thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ của Chính phủ. Thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng phục vụ sát hạch, cấp chứng chỉ giúp cá nhân trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề.
Nguồn: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường.