Thiếu kiểm soát chất lượng môi trường sẽ khó đưa ra những giải pháp xử lý thích hợp và đồng bộ. Tốc độ đô thị hóa của TPHCM trong những năm gần đây nhanh nhưng sự đầu tư cho hạ tầng kiểm soát môi trường chưa tương xứng, khiến cho việc quan trắc cũng như dự báo xu hướng chất lượng môi trường không đạt yêu cầu. Xuất phát từ thực tế này, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã và đang gấp rút đầu tư hệ thống kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn TP.
Một trạm quan trắc không khí tại quận 3, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Gần 500 tỷ đồng đầu tư cho môi trường
Ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT), cho biết để có thể hoàn thiện hạ tầng hệ thống kiểm soát chất lượng môi trường, sở đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường gấp rút xây dựng Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường. Theo đó, sẽ có 2 hạng mục được đầu tư là Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường và Dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường. Từ nay cho đến hết năm 2017 sẽ hoàn tất đầu tư Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, bao gồm: Hệ thống trang thiết bị phòng phân tích; 2 trạm quan trắc không khí tự động cố định tại cửa ngõ Tây Nam (trạm Bình Chánh - Phòng giáo dục quận Bình Tân) và cửa ngõ phía Đông Bắc (xa lộ Hà Nội - Khu Công nghệ cao quận 9); trạm nước mặt tự động cố định tại khu vực thượng nguồn (trạm Trung An, huyện Củ Chi) và hạ lưu sông Sài Gòn (trạm Phú An, quận 1).
Riêng với dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường sẽ thực hiện từ giai đoạn 2016 - 2020 với kinh phí lên đến gần 500 tỷ đồng. Dự án này cũng sẽ được chia thành hai giai đoạn để đầu tư theo định hướng hiện đại hóa, tự động hóa nhằm đáp ứng nhu cầu theo dõi, đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến ô nhiễm môi trường. Cụ thể, giai đoạn năm 2016 - 2018, sở sẽ tập trung đầu tư 7 trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí cố định, 2 trạm quan trắc chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn, Đồng Nai. Đồng thời, cải tạo nâng cấp 15 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất và đầu tư thêm 3 trạm mới. Trong giai đoạn này cũng sẽ đầu tư trang thiết bị phòng kiểm chuẩn cho các thiết bị quan trắc tự động liên tục, nâng cấp hiện đại hóa phần phân tích tài nguyên và môi trường, hệ thống điều hành mạng lưới quan trắc tự động chất lượng môi trường nói chung.
Từ giai đoạn 2018 - 2020 sẽ đầu tư tiếp 8 trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Mặt khác, đầu tư thêm 10 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất, 5 trạm quan trắc lún mặt đất. Đặc biệt là đầu tư mạng lưới quan trắc giám sát môi trường nước thải đối với lưu lượng nguồn thải từ 1.000m3/ngày - đêm trở lên và xây dựng mới trạm điều hành hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn TP.
Cấp thiết kiểm soát chất lượng môi trường
Nhận định về chất lượng đầu tư hạ tầng hệ thống kiểm soát chất lượng môi trường TPHCM, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho biết với một thành phố có hơn 10 triệu dân như TPHCM mà dựa vào phương pháp kiểm soát môi trường thủ công như hiện tại thì không thể dự báo hết thực tế diễn biến chất lượng môi trường. Điều này cũng sẽ gây khó cho các cơ quan chức năng khi hoạch định chính sách, giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường của TP. Nhìn nhận ở góc độ khác, chất lượng môi trường TP hiện đang rất đáng lo ngại. Điều này xuất phát từ thực tế tình trạng gia tăng phương tiện giao thông ngày càng cao. Chưa hết, cùng với việc thu hút mạnh đầu tư, đã và sẽ có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia đặt nhà máy hoạt động tại TPHCM. Do vậy, việc cải thiện hạ tầng hệ thống kiểm soát môi trường là hết sức cấp thiết.
Không những thế, để đạt được hiệu quả từ việc đầu tư hạ tầng hệ thống kiểm soát chất lượng môi trường, ngoài việc hoàn thiện hạ tầng trang thiết bị kiểm soát chất lượng môi trường, sở cũng đang kiến nghị về phía Bộ TN-MT phải ban hành các quy định về yêu cầu cơ bản và đặc tính kỹ thuật đối với hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục, quy trình chuẩn cho công tác vận hành bảo trì bảo dưỡng, định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở xây dựng dự toán cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống quan trắc. Đồng thời quy định về việc sử dụng kết quả quan trắc tự động để xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường, từ đó tăng cường hiệu quả quản lý môi trường. Mặt khác, trong trong khi chờ Bộ TN-MT ban hành các quy định trên, sở sẽ tham mưu UBND TP thông qua các quy định nhằm hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư quản lý và vận hành hệ thống quan trắc tự động liên tục, công bố thông tin chất lượng môi trường quan trắc đến cộng đồng. Đồng thời, xây dựng quy chế nhằm thực hiện huy động các nguồn tài trợ xã hội hóa, từng bước nâng cao chất lượng kiểm soát môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sống của người dân TPHCM.
Nguồn: Báo SGGPO.