(TN&MT) - Tại dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai để phù hợp với yêu cầu của Luật Đất đai, Luật Giao dịch điện tử và Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất 17 thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện bằng phương thức điện tử.
Cụ thể, 17 thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện bằng phương thức điện tử bao gồm:
1- Thu hồi đất.
2- Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
3- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất.
4- Đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý.
5- Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở.
6- Đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề.
7- Gia hạn sử dụng đất; xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất; chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện “dồn điền đổi thửa”; thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất.
8- Cấp đổi, cấp lại, đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
9- Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng.
10- Xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, góp vốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
11- Đăng ký, xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất và xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp, để thu hồi nợ.
12- Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định.
13- Đăng ký biến động đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp tư nhân, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển đổi công ty; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.
14- Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức, chuyển đổi công ty; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, nhóm người sử dụng đất.
15- Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận; giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất hoặc từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất.
16- Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi chứng chỉ định giá đất.
17- Thẩm định năng lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Theo dự thảo, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai phải đáp ứng các điều kiện sau: Có tư cách pháp nhân; có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký kinh doanh về giao dịch trong lĩnh vực đất đai theo quy định của pháp luật; có mạng truyền thông, thiết bị truyền thông, các phương tiện điện tử bảo đảm tính toàn vẹn và an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu khai thác, kiểm soát, xử lý, sử dụng, bảo quản và lưu trữ hồ sơ giao dịch điện tử; có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật công nghệ và phù hợp trong lĩnh vực đất đai.
Cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai có trách nhiệm: Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai thực hiện theo đúng quy định; tiếp nhận, kiểm tra, giải quyết hồ sơ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai theo đúng quy định; trường hợp hồ sơ giao dịch điện tử chưa đầy đủ theo quy định hoặc giao dịch bị lỗi, mất thông tin, dữ liệu thì phải báo ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong giao dịch điện tử về đất đai.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai phải đáp ứng các điều kiện sau: Tuân thủ quy trình về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai theo quy định; có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; xác lập phương thức gửi, nhận hồ sơ giao dịch điện tử với tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai có trách nhiệm: Nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính theo quy định và chịu hoàn toàn trách nhiệm về hồ sơ đã cung cấp; trường hợp hồ sơ đã gửi có sai sót hoặc giao dịch bị lỗi hoặc kết quả giao dịch không đúng yêu cầu thì phải báo ngay với cơ quan tiếp nhận hồ sơ; nộp thuế, phí, lệ phí đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định.
|
Dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai gồm 6 chương, 46 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về: Giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; quy định cụ thể giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử về đất đai…
Theo dự thảo, giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai thực hiện theo nguyên tắc sau: Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; bảo đảm sự rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và thuận tiện cho khai thác và sử dụng; phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn phương thức giao dịch với cơ quan nhà nước theo phương thức truyền thống và phương tiện điện tử trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dự thảo nêu rõ, các giao dịch đất đai bằng phương thức điện tử gồm: 1- Thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; 2- Trao đổi văn bản trong cơ quan quản lý nhà nước về đất đai; 3- Trao đổi văn bản giữa cơ quan quản lý nhà nước về đất đai với các cơ quan có liên quan; 4- Chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu trong giao dịch điện tử về đất đai.
Ngoài các giao dịch điện tử về đất đai trên, căn cứ tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định các giao dịch điện tử khác.
|
Nguồn: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường.