Cùng với các giải pháp tăng cường đội ngũ nhân lực có trình độ, năng lực chuyên môn, hiện đại hóa trang thiết bị…, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đang tập trung hiện thực hóa các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức, người lao động thuộc Văn phòng Đăng ký sử dụng đất, để ngăn ngừa tiêu cực và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp (DN)… Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, xung quanh vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Sở TN-MT đang tập trung xây dựng bộ thủ tục giải quyết hồ sơ nhà đất cho hộ gia đình, cá nhân theo hướng đơn giản, thuận lợi nhất. Từ gần 70 thủ tục, đến nay giảm xuống còn 33; nhiều thủ tục về cấp giấy chứng nhận nhà đất lần đầu đã kéo giảm xuống còn 30 ngày so với 50, 60 ngày trước kia. Hiện nay, Sở TN-MT đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để tiếp tục kéo giảm thời gian giải quyết hồ sơ đất đai, đặc biệt là đối với hộ gia đình, cá nhân.
* PHÓNG VIÊN: Thế nhưng, ở một số quận, huyện người dân vẫn than phiền về thủ tục nhà đất còn nhiêu khê, cán bộ, công chức còn gây phiền hà?
* Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: Thời gian qua vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có thái độ chưa tốt, gây phiền hà người dân khi làm thủ tục nhà đất. Lãnh đạo Sở TN-MT xác định con người là yếu tố quan trọng nhất trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính nên đã báo cáo xin ý kiến Bộ TN-MT và UBND TPHCM để ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức, người lao động công tác ở ngành đăng ký đất đai. Cùng với đó là các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong nội bộ, công khai, minh bạch thủ tục nhà đất và quy trình giải quyết hồ sơ trên trang web của sở. Người dân có thể vào xem bất cứ lúc nào và có thể dễ dàng biết được hồ sơ của mình đang được giải quyết tới đâu, vướng mắc chỗ nào. Ngoài ra, sở cũng có hộp thư để người dân phản ánh những vướng mắc, kể cả những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, giám sát cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ trên lĩnh vực này, để công việc ngày càng đi vào ổn định, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, trong đó có lĩnh vực đất đai.
* Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp có nội dung nào để người dân và DN đánh giá được trách nhiệm của những người thừa hành công vụ, cũng như phát hiện những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu dân?
* Nội dung lớn nhất trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là đi sâu vào thái độ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ; thái độ khi tiếp xúc với người dân phải làm đúng vai trò, chức trách, tận tình, tận tụy giải thích rồi hướng dẫn cho người dân làm đúng, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đồng thời không để người dân đi lại nhiều lần, bổ túc hồ sơ nhiều lần, hoặc đặt ra thêm các thủ tục. Những nội dung đó được thể hiện rất rõ trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành đăng ký thủ tục đất đai.
* Cơ chế nào để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý những trường hợp có hành vi nhũng nhiễu, gây khó, tiêu cực?
* Lãnh đạo sở giao Giám đốc Văn phòng Đăng ký sử dụng đất TP và giám đốc các chi nhánh khi có phản ánh của người dân và DN về một vấn đề gì đó phải xác minh, kiểm tra và xử lý ngay, ở mức độ nhẹ thì phê bình nhắc nhở, nặng thì kiên quyết loại ra khỏi bộ máy. Mặt khác, phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy sở, Thanh tra sở và cấp ủy Đảng các cấp giám sát, quản lý cán bộ, công chức, đảng viên thực thi các nội dung chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được nghiêm túc.
Tiếp nhận hồ sơ nhà đất tại Văn phòng Đăng ký sử dụng đất TPHCM
* Việc sắp xếp lại cơ chế tổ chức, bộ máy của Văn phòng Đăng ký sử dụng đất theo quy định mới sẽ có tác động thế nào đến quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ đất đai, cũng như giảm thiểu tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành đất đai?
* Việc chuyển giải quyết hồ sơ nhà đất ở cấp có thẩm quyền sang Văn phòng Đăng ký sử dụng đất một cấp, nhằm thống nhất, đồng bộ và liên thông các thủ tục nhà đất. Hiện tổ chức bộ máy theo Văn phòng Đăng ký sử dụng đất TP, dưới có 24 chi nhánh ở các quận, huyện. Vừa qua, Bộ TN-MT, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Sở TN-MT, tới đây sẽ sửa các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 theo hướng phân cấp, ủy quyền mạnh cho Văn phòng Đăng ký sử dụng đất TP và các chi nhánh về cấp bổ sung tài sản cho người dân và cấp, trả ngay ở các chi nhánh; cấp đổi, cấp mới, cấp lại thì không phải chuyển về Sở TN-MT, mà thực hiện ở Văn phòng Đăng ký sử dụng đất. Đây được cho là bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân và DN.
* Xin cảm ơn ông !
Nguồn: Báo SGGPO.