(PL)- Bụi mịn có khả năng phát tán rất xa, lên tới hàng ngàn kilomet và có thể ảnh hưởng tới các nước láng giềng.
Từ những năm 1990, bụi mịn được Tổ chức Y tế thế giới nhận định là tác nhân gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất. Không như các chỉ tiêu khác, bụi mịn hoàn toàn không có bất cứ quy chuẩn cho phép nào bởi lẽ chúng luôn nguy hiểm ở mọi nồng độ khác nhau.
Giảm lượng bụi mịn
Tại hội thảo Giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường cho TP.HCM do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức mới đây, nhóm chuyên gia đến từ Đức, cho biết bụi mịn phát sinh từ động cơ ô tô, xe máy, mài mòn từ bánh xe, má phanh… Bụi mịn có kích cỡ rất nhỏ. Hạt bụi có kích thước PM10µm sẽ xâm nhập vào mũi, PM 2,5µm xâm nhập vào phổi và nano PM (<0,1 µm) sẽ xâm nhập vào máu. Vì kích thước nhỏ nên chúng dễ len lỏi vào cơ thể, gây ra nguy cơ bệnh tật như tiểu đường và các bệnh trao đổi chất; Alzheimer, suy giảm trí nhớ, tim mạch. Nguy hiểm hơn, theo Cơ quan bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ (EPA), bụi mịn lại có khả năng phát tán rất xa, từ 10 km lên tới hàng ngàn kilomet và có thể ảnh hưởng các nước láng giềng.
Bức ảnh phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do tổ chức CHANGE, 350.org Việt Nam phối hợp cùng Liên minh Năng lượng Bền vững thực hiện
Theo các chuyên gia Đức, hiện trạng môi trường ở TP.HCM đang ở mức báo động. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy gia tăng các nhà máy sản xuất, trang thiết bị công nghiệp, đặc biệt là phương tiện giao thông. Hệ lụy kéo theo là phát thải khí vào bầu khí quyển, trong đó chứa rất nhiều bụi. So sánh hiện trạng môi trường giữa TP.HCM và TP Hamburg, Đức, các chuyên gia cho thấy chỉ số ô nhiễm, mức độ phơi nhiễm của TP.HCM cao hơn ít nhất 3,2 lần. Để giảm lượng bụi mịn chỉ có cách giảm số lượng ô tô, xe máy, tăng chất lượng bánh xe, má phanh. Song song đó là phát triển phương tiện công cộng và các giải pháp giao thông thông minh khác. Tuy nhiên, việc này cần được tính toán kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh khác nhau và lấy lợi ích người dân làm trọng.
Cải thiện chất lượng môi trường không khí