Mở đầu buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc mừng bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ với vai trò là Đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam và hy vọng bà sẽ tiếp tục thành công hơn nữa với nhiệm vụ mới khi trở về nước. Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả, hợp tác chặt chẽ của Chính phủ, Đại sứ quán Thụy Điển với Bộ TN&MT trong thời gian qua đặc biệt là trong các lĩnh vực: môi trường, quản lý đất đai và quản lý tài nguyên nước.
Phát biểu tại buổi tiếp, bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, truyền thống giữa hai Chính phủ Việt Nam - Thụy Điển thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực TN&MT. Bà Đại sứ nhấn mạnh, Thụy Điển sẽ tiếp tục hỗ trợ để nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chính sách phát triển ngành TN&MT với phương thức tiếp cận mới phù hợp với sự phát triển kinh tế đất nước. Bà cũng đánh giá cao những kết quả đáng ghi nhận trong các cam kết mà Việt Nam đã thực hiện về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam luôn thể hiện vai trò tiên phong trong những lĩnh vực này, đặc biệt trong quá trình tham gia và đàm phán tại Hội nghị COP21 vừa qua để đi đến Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là rất quan trọng.
Vui mừng thông báo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về thành công của cuộc thi “Sáng kiến thông minh về nước” năm 2016 tại Việt Nam do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức đã truyền cảm hứng tích cực cho các bạn trẻ đang theo học tại các trường đại học, cùng đào sâu, suy nghĩ về các vấn đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu; từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới, sáng tạo liên quan đến nước. Bà Camilla Mellander cũng chúc mừng ba bạn sinh viên đến từ Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh đã giành chiến thắng tại cuộc thi với ý tưởng sử dụng ứng dụng của điện thoại di động để phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước và sắp tới sẽ tới Thụy Điển để tham dự chương trình Tuần lễ Nước Thế giới tổ chức hàng năm tại thủ đô Stockholm.
Toàn cảnh buổi tiếp
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang tập trung vào các chính sách khuyến khích đầu tư năng lương sạch, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió,… và từng bước giảm dần sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Bộ trưởng cũng cho biết, việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng đang đi theo hướng đó. Vì vậy, các Bộ, ngành Việt Nam đang tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách về biến đổi khí hậu, các quy định về quản lý tài chính, kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, thể hiện quyết tâm chính trị lớn trong việc thực hiện các cam kết để biến Thỏa thuận Parisvề khí hậu thành hiện thực, ngoài nội lực của mình, Việt Nam cũng mong muốn có sự hỗ trợ từ các đối tác về tài chính và công nghệ. Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn Thụy Điển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nói chung, Bộ TN&MT nói riêng trong việc tăng cường nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững để Việt Nam có thể đảm bảo thực hiện được đầy đủ các cam kết của mình trong thời gian tới.
Liên quan tới sự cố môi trường do Formosa gây ra tại một số tỉnh ven biển miền Trung vừa qua đã đặt ra một vấn đề cấp bách đối với Việt Nam, như một tiếng chuông cảnh tỉnh các nhà quản lý trong việc xem xét lại việc thu hút các dự án đầu tư vào Việt Nam. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Việt Nam ưu tiên phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường”.
Về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường do sự cố mà Nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra làm hải sản chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung vừa qua, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngày 20/7 tới, Bộ TN&MT sẽ đánh giá tổng thể toàn bộ mức độ, quy mô và khu vực ô nhiễm; công bố đầy đủ mức độ ô nhiễm, phạm vi ô nhiễm, sự an toàn của nước biển ảnh hưởng tới các hoạt động khác trên biển; đánh giá chất lượng nước, đặc biệt là tiếp tục thực hiện các hoạt động quan trắc môi trường biển trên diện rộng từ Thanh Hóa tới Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sẽ làm việc với Công ty Formosa để xem xét lại toàn bộ các vấn đề liên quan tới công nghệ sản xuất, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống giám sát các hoạt động xả thải. Về lâu dài, Bộ cũng sẽ tiến hành rà soát, xem xét lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn liên quan, để từ bài học của Formosa sẽ áp dụng với tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam. Bắt đầu từ 15/7 đến cuối tháng 9/2016, Bộ sẽ tiến hành một đợt kiểm tra môi trường trên diện rộng ở Việt Nam và đây chính là thời điểm để Bộ TN&MT thể hiện quyết tâm cao nhất trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước theo chiều hướng tích cực, chú trọng bảo vệ môi trường.
Kết thúc buổi làm việc hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp tích cực hơn nữa trong hỗ trợ xây dựng và đưa vào thực hiện các chiến lược, chính sách ưu tiên về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kiểm soát ô nhiễm môi trường và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh và bền vững.
Hai bên tặng quà lưu niệm