Mô hình đầu tiên được tổ chức thí điểm tại siêu thị Hapromart - D2 Giảng Võ (quận Ba Đình) với chủ đề “Hà Nội - Ngày Chủ nhật không túi nylon”. Chương trình ngay lập tức đã ghi được dấu ấn với 50.000 chiếc túi vải được phát miễn phí cho người tiêu dùng. Tiếp đó, năm 2010, chương trình được nhân rộng tại hệ thống siêu thị Hapromart và một số siêu thị, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội với lễ phát động “Chung tay bảo vệ môi trường” được tổ chức tại Công viên Hồ Tây.
Nhắm đến đối tượng các bà nội trợ trên địa bàn Thành phố, 2 năm tiếp sau, chương trình đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội vận động phụ nữ sử dụng túi thân thiện với môi trường, đổi giấy vụn lấy túi thân thiện môi trường, gấp túi giấy thay thế túi nylon, phân loại rác thải tại nguồn…
Song song đó, nhiều hoạt động khác cũng được triển khai đồng loạt như phát miễn phí túi thân thiện với môi trường tại các điểm chợ, siêu thị; phát sóng tọa đàm trên Đài PTTH Hà Nội với 2 chủ đề: “Vấn nạn ô nhiễm trắng” và “Giải pháp công nghệ xanh thay thế túi nylon”.
Hiệu ứng mà các chương trình đem lại là nhiều tổ dân phố, khu dân cư trong nội ngoại thành thi đua hưởng ứng phong trào sử dụng túi vải, túi giấy, túi thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon.
Mở rộng đối tượng, năm 2013, chương trình tổ chức giao lưu với hàng nghìn học sinh và sinh viên về tác hại của túi nylon. Thông qua chương trình, giới trẻ đã viết rất nhiều thông điệp ý nghĩa, có tác động lan tỏa trong cộng đồng, vận động thay đổi thói quen sử dụng túi ni long trong cộng đồng.
Nối tiếp thành công, năm 2014, đối tượng của chương trình là người tiêu dùng, người kinh doanh nhỏ lẻ tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; đồng thời hỗ trợ chương trình của Viện Nghiên cứu polime - Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc nghiên cứu ứng dụng sản phẩm túi nylon tự hủy nhằm đưa ra thị trường.
Năm 2015, đối tượng được chú trọng tuyên truyền là người dân đi xe buýt và người dân sinh sống tại Hà Nội.
Dự kiến, năm 2016, chương trình sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân Thủ đô về tác hại của túi nylon, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cư dân quanh bến xe Mỹ Đình về tác hại của túi nylon và tạo thói quen hạn chế sử dụng túi nylon, tiến tới loại bỏ túi nylon ra khỏi đời sống hằng ngày.
Theo đó, từ tháng 7- 9/2016, chương trình sẽ tổ chức đặt gian hàng tuyên truyền tại bến xe Mỹ đình; phát miễn phí và đổi túi thân thiện với môi trường cho người dân tại bến xe trong những ngày tổ chức sự kiện; đạp xe hưởng ứng trong suốt thời gian diễn ra chương trình.
“Chương trình không chỉ đơn thuần là nhằm bảo vệ môi trường Thành phố mà còn phù hợp với định hướng chiến lược xây dựng Hà Nội - thành phố xanh trong tương lai. Ngoài chiến dịch tuyên truyền, vận động cộng đồng sử dụng các sản phẩm thay thế, Hà Nội cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi và tính đến các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất túi tự hủy, các loại túi thân thiện với môi trường”, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân TP.Hà Nội chia sẻ.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày, một gia đình Việt Nam sử dụng và thải ra ít nhất 1 túi nylon. Ở Hà Nội, nhựa và túi ni long luôn chiếm khoảng 10% tổng lượng rác thải hàng ngày. Cũng theo tính toán của ngành chức năng, mỗi năm, người dân Thành phố Hà Nội bị lãng phí số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng cho việc sử dụng túi nilon.
Nguồn: Website Bộ TN&MT.
|