Tác nhân lớn
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, 70-90% ô nhiễm không khí đô thị là từ các hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp và sinh hoạt chỉ chiếm 10-30%.
Tại hai khu vực ô nhiễm nhất là Hà Nội và TP HCM, chỉ số ô nhiễm không khí lúc nào cũng ở mức 152-156. Còn vào giờ giao thông cao điểm phải lên tới gần 200.
Việt Nam đang được xếp thứ 4 trên thế giới về số xe máy được sử dụng làm phương tiện. Thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 37 triệu xe máy và 2 triệu xe ôtô. Tuy nhiên, đó mới là những xe đã đăng ký, còn những xe chưa đăng ký nhưng lưu hành thì chưa kể (xe máy). Điều đó đồng nghĩa với việc lượng phát thải khí độc từ phương tiện được coi là chính ở Việt Nam rất… khủng khiếp, khác hẳn với những quốc gia phát triển trên thế giới.
Một tính toán khác tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% Hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxit (CO); 57% ôxit Nitơ (Nox)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Và, xe máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.
Chuyên gia môi trường Pháp Jacques Moussafir cảnh báo: Với mức độ ô nhiễm hiện nay và tốc độ tăng số lượng phương tiện giao thông cá ở mức khoảng 15%/năm đối với xe máy và 10%/ năm đối với ôtô, nồng độ bụi ở Hà Nội sẽ có khả năng tăng lên hơn 200mg/m3, gấp 10 lần khuyến cáo của WHO.
Kiểm định khí thải đối với xe máy
Đó là đề xuất của Bộ Giao thông vận tải tại Dự thảo về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe môtô, xe gắn máy. Cụ thể, mức phí kiểm định khí thải khoảng 100.000-150.000 đồng/lần/xe/2 năm.
Đáng chú ý, theo đề xuất này, sẽ không thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe máy trong 5 năm đầu sử dụng.
Dự kiến, quy định này sẽ được thực hiện trước tiên đối với các xe có dung tích xi lanh lớn từ 175cm³ trở lên. Đây là những xe phân khối lớn, có số lượng ít, không phải là phương tiện giao thông phổ biến hiện nay, chủ sử dụng đều là những người có điều kiện. Đối với các xe có dung tích xi lanh dưới 175cm³ do có số lượng rất lớn nên phải có lộ trình triển khai ít nhất 5 năm (2020-2025).
Việc kiểm tra khí thải sẽ được thực hiện ngay tại các trung tâm đăng kiểm ôtô đang lưu hành, nơi có sẵn cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực được đào tạo nên hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng kiến nghị hỗ trợ cho việc kiểm tra khí thải từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu dựa trên số lượng xe được kiểm tra khí thải. Theo đó, có thể đưa ra cơ chế để người đưa xe đi kiểm định không phải trả tiền, cơ sở kiểm định được bồi hoàn tiền phí từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng hay nguồn kính phí được cấp theo quy định của Nhà nước.
Các đại lý phân phối chính thức của các công ty sản xuất, lắp ráp xe máy cũng là một trong những lực lượng chính tham gia thực hiện kiểm tra khí thải xe máy vì số lượng các đại lý được ủy quyền đủ khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm tra khí thải.
5 thành phố khởi động
5 thành phố lớn cũng là 5 địa phương có số lượng, mật độ phương tiện xe máy lớn; mức độ ô nhiễm không khí cao là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là những đơn vị được Bộ Giao thông vận tải đề xuất triển khai thực hiện kiểm định khí thải xe môtô, xe gắn máy giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Tiếp theo, giai đoạn 2020-2022 và các năm sau, sẽ triển khai đồng loạt kiểm tra khí thải xe môtô, xe gắn máy tại các thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình.
Đi tiên phong thực hiện lộ trình này, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã có công văn 861/VP-ĐT về việc bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ trình ban hành Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/1/2013 của UBND thành phố yêu cầu rà soát lộ trình để giảm phương tiện cá nhân.
Nguồn: Website Bộ TN&MT.