Ông Lê Thanh Khuyến cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai theo ý kiến thành viên Chính phủ, trong đó bổ sung quy định để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc đặt ra trong thực tiễn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính ban hành các Thông tư liên tịch: về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất; quy định về quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí đo đạc xác định diện tích đất vi phạm.
Trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 về thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh; kết quả kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014.
Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09/4/2016 về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; phối hợp với các Bộ, ngành phân bổ chỉ tiêu cho từng tỉnh, thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để làm cơ sở cho địa phương để triển khai lập, thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ nhu cầu của các địa phương về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
Với tinh thần hướng về địa phương, cơ sở, Bộ đã tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác đo đạc, đăng ký, cấp giấy chứng nhận (GCN). Tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp về tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai và cấp GCN quyền sử dụng đất qua đường dây nóng; triển khai các Tổ công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cấp GCN theo phản ánh của nhân dân thông qua đường dây nóng. Hướng dẫn địa phương xử lý các vướng mắc trong thi hành Luật đất đai và triển khai thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai; đôn đốc địa phương thực hiện việc kiện toàn Trung tâm Phát triển quỹ đất; Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp. Xây dựng trình Chính phủ để trình Chủ tịch nước việc đàm phán Dự án tăng cường quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực đất đai như:
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai nhằm tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất; đẩy mạnh CCHC, phát huy dân chủ, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong lĩnh vực đất đai, đẩy nhanh tích tụ, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tiếp cận tài nguyên đất đai; xây dựng cơ chế khuyến khích việc tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh CCTTHC, hoàn thiện khung pháp lý để xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai; giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; từng bước hiện đại hóa dịch vụ công về đất đai theo hướng chính phủ điện tử.
Tăng cường công tác điều tra cơ bản, đánh giá tài nguyên đất, đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ quản lý, sử dụng đất bền vững, thích ứng với BĐKH. Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính liên kết giữa các ngành, vùng.
Kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; làm tốt công tác định giá đất để đảm bảo nguồn thu cho Nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sử dụng đất; tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.