Chiều 14-7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo TPHCM về nội dung phát triển hệ thống đô thị thông minh, quản lý thông minh. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì buổi làm việc.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc với tập thể lãnh đạo TPHCM
Không thể chờ đủ điều kiện mới xây dựng ĐTTM
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng khẳng định, TPHCM là đầu tàu kinh tế của đất nước cũng như trong khu vực, là cảm hứng, động lực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Trong thành tựu 30 năm đổi mới, thành phố đã có nhiều đóng góp lớn cho đất nước; tuy nhiên, bên cạnh những thành công, thành phố còn có những thách thức lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, tình trạng ách tắc giao thông, ngập lụt, tội phạm... Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Đại hội đại biểu lần thứ 10 của thành phố, TPHCM hiện đang triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ đột phá, trong đó, xây dựng thành phố thông minh là giải pháp quan trọng, thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh sẽ giúp TPHCM phát triển ngày càng nhanh, mạnh hơn.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, TPHCM muốn trở thành thành phố năng động, hiện đại thì không thể không xây dựng ĐTTM. Đó là nhu cầu cấp thiết. Không thể chờ đủ điều kiện mới xây dựng ĐTTM. Thành ủy sẽ lập Ban chỉ đạo xây dựng ĐTTM, xác định quyết tâm chính trị của toàn hệ thống, coi xây dựng ĐTTM là nhiệm vụ của Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố. Ban điều hành do Chủ tịch UBND TPHCM làm trưởng ban, có ban cố vấn; kiểm điểm hoạt động thường xuyên. Bí thư Thành ủy yêu cầu xây dựng đề án tổng thể về xây dựng ĐTTM trên cơ sở thực tế hiện nay. Với sự thay đổi nhanh chóng của CNTT, đề án cần đưa ra những cột mốc, lộ trình thực hiện cụ thể. Phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng đơn vị, ai không làm được thì phải điều chuyển. ĐTTM là để phục vụ chất lượng cuộc sống của người dân, để người dân có chất lượng sống tốt hơn. Trước mắt, cần chỉ đạo kết nối, tích hợp hạ tầng hiện có để tránh lãng phí, ví dụ cả thành phố có hàng ngàn camera an ninh, giao thông, người dân, cần kết nối lại vì đó là nguồn lực của xã hội. Phương thức là thuê hạ tầng để làm.
Một khu căn hộ mới tại quận 7 Ảnh: CAO THĂNG
Người lãnh đạo phải dự báo được để xử lý mọi việc
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, MTTQ Việt Nam với trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội hết sức quan tâm đến xu thế phát triển, đặc biệt là công tác quản lý trong 5 năm tới, trong đó có vấn đề phát triển ĐTTM. Cùng với sự phát triển của công nghệ, ĐTTM đang là xu hướng của các thành phố lớn trên thế giới. Trước những thách thức mới hiện nay, ĐTTM hứa hẹn sẽ là một bước đột phá cho Việt Nam. Mục tiêu của thành phố thông minh là: kinh tế năng động, hiệu quả hơn; môi trường sống ngày một tốt hơn, tình trạng ô nhiễm giảm; người dân được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động của chính quyền. TPHCM với vị trí là một đô thị lớn của cả nước, đầu tàu phát triển kinh tế cần cân nhắc thực hiện 4 mục tiêu này.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo TPHCM sớm xây dựng Đề án phát triển thành phố thông minh, đặt mục tiêu ngắn hạn 2 - 3 năm, mục tiêu dài hạn 10 năm (đến 2025). Đề án cần được hoàn thiện trong 3 - 5 tháng tới với ba nhóm nội dung: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch của thành phố; quản lý ngành và các dịch vụ thông minh (giao thông, y tế, giáo dục...); tăng cường sự tham gia, sáng kiến của người dân (người dân phải là đồng tác giả, đồng thời có sự giám sát thực hiện, đánh giá sự hài lòng của người dân). UBND TPHCM phải là cơ quan chỉ đạo thực hiện đề án, bởi xây dựng thành phố thông minh phải có một hệ thống chính quyền hỗ trợ thông tin, xử lý truyền thông trong công tác quản lý.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi mở với TPHCM về giải pháp để thực hiện thành phố thông minh: “Nói đến đô thị thông minh là người lãnh đạo không được để xảy ra các vấn đề ách tắc rồi mới xử lý, mà phải dự báo được để xử lý”. Để triển khai đô thị thông minh, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, TPHCM cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố (cho doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý, nhà đầu tư,...) đưa chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến cơ sở cho doanh nghiệp thông minh, công dân thông minh, dịch vụ thông minh, chính quyền thông minh; quy hoạch thông minh với định kỳ điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch của thành phố (quy hoạch động, phát hiện sớm các nguy cơ ách tắc, điểm nghẽn trong phát triển của thành phố, từ đó bổ sung các giải pháp quy hoạch mới); quản lý giao thông thông minh với hiện trạng giao thông cập nhật hàng ngày, quý, năm, 5 năm và 10 năm; điều tiết giao thông giờ - ngày. Quy hoạch giao thông 5 năm, 10 năm, 20 năm. Hệ thống bãi đậu xe thông minh. Hệ thống thu phí thông minh.... Cùng với đó, quản lý môi trường thông minh với chất lượng môi trường không khí, nước, chất thải, tiếng ồn các khu vực của thành phố được cập nhật hàng ngày, quý, năm. Quy hoạch xử lý rác thải công nghiệp, gia đình và y tế 5 năm, 10 năm, 20 năm. Danh sách các doanh nghiệp gây ô nhiễm và chế tài hàng tháng, quý, năm…
Lãnh đạo UBND và các sở ban ngành TPHCM cũng thể hiện quyết tâm xây dựng TPHCM thành thành phố thông minh. Thực tế, trong những năm qua, TPHCM đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển ĐTTM, như hệ thống điều hành xe buýt, từ 2018 sẽ nâng cấp trở thành trung tâm điều hành giao thông thông minh với nhiều chức năng hơn.
Nguồn: Báo SGGPO.