Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) và Bộ NN&PTNT đã bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Hai Bộ đã tích cực phối hợp xây dựng, trình ban hành và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai thường xuyên các nhiệm vụ quan trắc môi trường tại một số khu vực sản xuất nông nghiệp; tăng cường quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; tăng cường quản lý đối với công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; quản lý công tác đa dạng sinh học, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm tới bảo vệ môi trường làng nghề; tăng cường phối hợp truyền thông về công tác bảo vệ môi trường tại nông thôn;… Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn, chồng chéo trong phối hợp giữa Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng trong quản lý chất thải rắn vùng nông thôn; quản lý xả nước thải vào các nguồn nước thủy lợi; lực lượng bảo vệ môi trường của Bộ NN&PTNT tại Trung ương và địa phương còn thiếu;…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa hai Bộ, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong nông nghiệp; phối hợp với kiến nghị Chính phủ phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường khu vực nông thôn; tăng cường sự chia sẻ và phối hợp hiệu quả trong đấu tranh phòng chống các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong sản xuất nông nghiệp; chia sẻ thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học phục vụ cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp; phối hợp xây dựng chương trình truyền thông môi trường nông thôn,...
Về ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Nguyễn Văn Tuệ đề nghị Bộ NN&PTNT tích cực phối hợp với Bộ TN&MT trong xây dựng kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng bảo vệ và phát triển rừng để giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời, xây dựng các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu đa mục tiêu như các biện pháp chống sói lở bờ sông, bờ biển; chống hạn hán, xâm ngập mặn; các mô hình chuyển đổi sinh kế của người dân, thích ứng dựa vào cộng đồng, thích ứng dựa vào hệ sinh thái;…
Về bảo tồn đa dạng sinh học, Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học Phạm Anh Cường đề xuất cần có sự hài hòa giữa Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản trong nội dung bảo tồn đa dạng sinh học để thống nhất được chức năng nhiệm vụ giữa hai Bộ, tránh chồng chéo trong quản lý, thực hiện. Đồng thời, mong muốn hai Bộ tăng cường trao đổi thông tin về bảo tồn đa đạng sinh học và quản lý an toàn sinh học; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản về quản lý, bảo tồn loài hoang dã; xây dựng và trình ban hành các chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quy hiếm được ưu tiên bảo vệ; phối hợp xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen;…
Về tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, ông Đỗ Trọng Kim, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm mong muốn sẽ phối hợp với Bộ TN&MT để xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp; xây dựng Luật Lâm nghiệp thay cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phù hợp với Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học và các Công ước quốc tế.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao công tác phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua, đặc biệt trong bảo vệ môi trường lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và nước; triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu như chống hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong khắc phục hậu quả sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung;…
“Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và cuộc sống ở nông thôn đang rất bức xúc, đặc biệt là các vấn đề về rác thải nông thôn, ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước do sản xuất nông nghiệp, chất thải chăn nuôi… cũng như biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Vì vậy, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là hết sức quan trọng, nhất là trong thời kỳ hội nhập, ngày càng đặt yêu cầu cao về chất lượng nông sản.” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh gửi lời cảm ơn tới sự phối hợp của Bộ TN&MT trong thời gian vừa qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của Bộ TN&MT trong quản lý nhà nước về môi trường, tập trung vào các nhiệm vụ như bảo vệ môi trường nông thôn, làng nghề; quản lý tốt hoạt động bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp;… với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo chất lượng và sản lượng cao, hướng tới phát triển bền vững.
Toàn cảnh buổi làm việc
Khẳng định bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn là vấn đề rất quan trọng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai Bộ, Tổng cục Môi trường cần tích cực phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ NN&PTNT để thống nhất về các vấn đề, nội dung phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện. Ngoài các vấn đề Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị hai bên quan tâm, phối hợp hiệu quả trong xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản chung về bảo vệ môi trường trong nông nghiệp; làm rõ các nội dung vướng mắc trong bảo tồn đa dạng sinh học giữa hai bên; cùng với Bộ Xây dựng trao đổi, kiến nghị Chính phủ tháo gỡ, thống nhất nhiệm vụ quản lý chất thải; cũng như đề xuất, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa hai Bộ trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở cấp địa phương.