Canh cánh với Formosa
Đối với các tỉnh chịu thiệt hại do sự cố môi trường Formosa gây ra, các kiến nghị cho rằng, mặc dù, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, song, nhiều chính sách hỗ trợ vẫn chưa phù hợp như chính sách chuyển đổi nghề, chính sách vay vốn... Mong muốn của cử tri vùng biển là làm rõ, xác định vùng nào là vùng an toàn, vùng sạch để tiếp tục khai thác đánh bắt hải sản. Hiện nay, công bố cụ thể từng khu vực an toàn, biển sạch là chưa cụ thể.
Cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề xuất: Ngoài chuyên đề giám sát, Quốc hội nên có một chuyên đề về khắc phục môi trường và ổn định sản xuất cho bà con sau sự cố môi trường biển. Các chính sách về vay vốn ưu đãi cần linh động hơn, phù hợp hơn với tình hình thực tế của các địa phương. Cử tri huyện Bố Trạch mong muốn Nhà nước, Chính phủ thực hiện các chính sách khoanh nợ, giãn nợ; gia hạn chương trình đóng tàu theo Nghị định 67 để động viên ngư dân vượt qua khó khăn, bám biển; cần có chính sách đãi ngộ đối với thân nhân người có công, tạo việc làm đối với con em địa phương tốt nghiệp đại học. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ quy trình xả thải của Formosa; chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi để xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt và để doanh nghiệp môi trường chôn lấp trái phép chất thải trái phép của Công ty Formosa Hà Tĩnh…
Đồng tình với kiến nghị của cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, sẽ rà soát, nâng cao, hoàn thiện quy chuẩn về bảo vệ môi trường; kỹ lưỡng, khắt khe trong việc đánh giá tác động môi trường khi cấp phép các dự án mới. Đối với các dự án đang tồn tại và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, không riêng Formosa, sẽ có kế hoạch kiểm tra, rà soát, đánh giá lại theo tinh thần sai phạm là phải xử lý, có đủ điều đảm bảo môi trường mới cho phép hoạt động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, trong đó, có hoạt động của Formosa. Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ này.
Phó Thủ tướng cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ ban hành gói chính sách tổng thể nhằm ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất tại vùng biển ảnh hưởng của sự cố môi trường các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Trong đó, có chính sách Nhà nước đầu tư nguồn lực để khôi phục tái tạo nguồn lợi thủy sản, khôi phục các hệ sinh thái biển; chính sách về tín dụng và vay vốn khôi phục sản xuất. Riêng chính sách vay vốn để khôi phục sản xuất đối với các hộ gia đình khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nghề muối… có thể giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội tính toán định mức cụ thể.
Nóng về đất đai
Không chỉ có môi trường, vấn đề về đất đai cũng được cử tri đặc biệt quan tâm. Tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn, Bí thư Thành ủy TP. HCM – Đinh La Thăng cùng Đoàn ĐBQH TP. HCM đã tiếp thu nhiều ý kiến bức xúc của người dân liên quan đến quy hoạch đất đai trên địa bàn huyện thời gian qua.
Cử tri Huỳnh Thị Liên (ngụ xã Xuân Thới Đông) bày tỏ, người dân vẫn đang hàng ngày, hàng giờ, không được xây dựng, sửa nhà vì lý do quy hoạch treo. Cử tri TP cũng đề nghị lãnh đạo TP xem xét các dự án đã lâu không triển khai, xóa quy hoạch hoặc sớm thực hiện để người dân ổn định cuộc sống như Khu quy hoạch dự án 42 ha từ cầu Rạch Già đến cầu Cần Giuộc “treo” đã lâu không thực hiện; Dự án quy hoạch hành lang cây xanh cách ly ở xã Đa Phước kéo dài trên 10 năm chưa tiến hành đền bù; Dự án quy hoạch khu dân cư cặp tuyến đường Trịnh Quang Nghị đã trên 20 năm chưa thực hiện…
Tại Thái Bình, cử tri kiến nghị đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quan tâm đến tuyến đê Hồng Hà 2 qua địa bàn xã Hồng Lý (Vũ Thư) đang xuống cấp. Còn Lào Cai, cử tri đề xuất nhiều nội dung, tập trung vào các vấn đề như: công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, giải quyết thủ tục hành chính về giao dịch liên quan đến đất đai. Đại biểu các phường Nam Cường, Bắc Lệnh, Bình Minh đề nghị tỉnh, thành phố sớm có biện pháp đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các công trình hạ tầng đô thị để người dân sớm ổn định cuộc sống; bố trí quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa khu dân cư, trường mầm non. Kiến nghị lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng xem xét giải quyết việc 21 hộ dân tại tổ có ý kiến phản hồi về kết luận của Thanh tra tỉnh trong việc giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư phục vụ dự án triển khai trên địa bàn. Tại Thanh Hóa, các cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội khóa XIV bổ sung ngân sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; có cơ chế trong việc thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng phù hợp khác…
Những ý kiến nêu trên đã được các đại biểu Quốc hội khóa XIV tiếp thu và khẳng định: Với những vấn đề thuộc thẩm quyền, UBND tỉnh và thành phố nghiêm túc tiếp thu, giải quyết. Với những kiến nghị vượt thẩm quyền các đại biểu sẽ tập hợp gửi, đề xuất với Trung ương để giải quyết. Các đại biểu cũng mong muốn và đề nghị cử tri tiếp tục ủng hộ, đồng thuận trong triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng.
Nguồn: Website Bộ TN&MT