• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
6
4
7
6
8
9
Tin tức sự kiện 25 Tháng Tám 2016 8:10:00 SA

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần khẩn trương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

 

 

(TN&MT) - Như baotainguyenmoitruong.vn đưa tin, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh thành về bảo vệ môi trường sáng 24/8, theo sự phân công của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trình bày báo cáo nêu rõ thực trạng và các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng một trong những giải pháp của việc tăng cường công tác này chính là khẩn trương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với quy hoạch môi trường.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam cùng các Bộ trưởng: Trần Hồng Hà, Mai Tiến Dũng chủ trì Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng cùng các Bộ trưởng:  Mai Tiến Dũng, Trần Hồng Hà và Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị sáng 24/8

 

Nhiều áp lực đối với môi trường

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: ở nước ta, môi trường đất, nước, không khí nước ta nhìn chung còn khá tốt. Tuy nhiên, nguồn nước mặt ở một số nơi bị ô nhiễm, nhất là trong các khu đô thị, xung quanh các khu công nghiệp, làng nghề...

 

Theo Bộ trưởng, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Hàng năm, có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; Hơn 4.500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế; có 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý…

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày báo cáo
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trình bày báo cáo nêu rõ thực trạng và các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường

 

Ngoài ra, khu vực FDI hiện đóng vai trò chủ yếu trong xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu và 59% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

 

“Xét về mặt tăng trưởng, 70% tốc độ tăng trưởng của nước ta hiện nay được đóng góp bởi các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…; chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ… Một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men...” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.   

 

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, vấn đề biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo, tác động nhiều mặt lên môi trường nước ta. Các vấn đề môi trường theo dòng chảy sông Mê Công, sông Hồng, các sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp. Việc xây dựng các dự án thủy điện của một số quốc gia trên dòng chính sông Mê Công ảnh hưởng lớn đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

 

“Nhìn chung, nhận thức, ý thức của người dân và doanh nghiệp được nâng lên; nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, giải quyết; nhiều nguồn tác động, gây ô nhiễm môi trường đã được phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu; phần lớn các loại chất thải đã được thu gom, xử lý; các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đã làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường; một số khu vực ô nhiễm đã được cải tạo, phục hồi; nhiều khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập; tỷ lệ che phủ rừng tăng. Xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy giảm nhanh chất lượng môi trường đang được kiềm chế chậm lại…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

 

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị

 

Nguyên nhân chủ quan và khách quan

Trong báo cáo của mình, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cũng phân tích rõ những tồn tại trong công tác quản lý và các vấn đề môi trường. Đó là những vấn đề như: Thiếu cơ chế, tiêu chí về môi trường để sàng lọc hiệu quả các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, các dự án đầu tư vào khu vực nhạy cảm về môi trường; Thiếu cơ chế thúc đẩy khu vực kinh tế xanh, đầu tư vào các loại hình sản xuất thân thiện với môi trường.

 

Ngoài ra, pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ, thiếu nhiều quy định chi tiết, cụ thể; quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập; Cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chậm đổi mới, chưa theo kịp với những thay đổi nhanh của thực tế, tính chất phức tạp của các vấn đề môi trường; Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; Các quy định, cơ chế phối hợp giữa các cấp, các tổ chức trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát ô nhiễm trong quá trình thi công, xây dựng, vận hành thử nghiệm, khi kết thúc dự án còn thiếu và chưa được quan tâm thực hiện;

 

Đặc biệt, tình trạng hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.. “Mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại, tuy nhiên, còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết, xử lý…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà thẳng thắn nói.

 

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng thực trạng môi trường nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan: Do Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh, mạnh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, đầu tư phát triển rất cao, kéo theo nhiều áp lực đến môi trường. Trên thực tế, nhiều nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc ... cũng đã phải trải qua giai đoạn phát triển như Việt Nam hiện nay;

 

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn so với dự báo làm phức tạp thêm các vấn đề môi trường; Tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài đã tác động đến nền kinh tế của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta bị chững lại trong giai đoạn 2011 đến nay dẫn đến đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội cho công tác bảo vệ môi trường bị giảm sút, không đáp ứng được yêu cầu.

 

Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đóng góp ý kiến về công tác bảo vệ môi trường
Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đóng góp ý kiến về công tác bảo vệ môi trường

 

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế thu hút FDI bằng mọi giá, đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường…

 

Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng đề cập đến nguyên nhân về việc chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao, đặc biệt trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; Việc đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu; còn thiếu các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho bảo vệ môi trường; nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.

 

“Ngoài ra, chúng ta cũng chưa phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực bảo vệ môi trường và giám sát chặt chẽ công tác quản lý, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp… đó cũng là một nguyên nhân cần khắc phục” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

 

Những giải pháp căn cơ

Sau khi nêu những bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu những nhiệm vụ và giải pháp căn cơ nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Bộ trưởng cho biết: Chính phủ nhiệm kì 2016 - 2021 bắt đầu hoạt động của mình với phương châm là một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, trong đó coi tài nguyên, môi trường vừa là đối tượng phải bảo vệ, vừa là nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động phát triển. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

 

Theo đó, các nhiệm vụ cụ thể trước mắt đó là: Thứ nhất, khẩn trương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với quy hoạch môi trường. Xây dựng và ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường, trong đó có các quy định về cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương bảo đảm nguyên tắc Trung ương chỉ đạo thống nhất và địa phương xây dựng năng lực tự ứng phó theo phương châm 03 tại chỗ đã được xây dựng trong phòng chống thiên tai. 

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu về các giải pháp quy hoạch các khu xử lý rác thải
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu về các giải pháp quy hoạch các khu xử lý rác thải, nước thải...

 

Thứ hai, ban hành hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, trong đó có các quy định về cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.

 

Thứ ba, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường; cụ thể hóa các cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải, phát triển công nghệ xử lý nước thải, tái chế chất thải. Tổ chức thực hiện tốt khung chính sách, pháp luật về dịch vụ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái nhằm thúc đẩy các lĩnh vực này phát triển phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và những cam kết của Việt Nam trong các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, xây dựng các mô hình xử lý nước thải tập trung và phân tán cho các vùng có nguy cơ ô nhiễm cao.

 

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; Thứ năm, tập trung rà soát toàn bộ việc thẩm định, phê duyệt, chấp thuận điều chỉnh đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đối với các các dự án lớn, các dự án xả thải ra môi trường có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường để kịp thời điều chỉnh hoặc tăng cường các giải pháp bảo đảm việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.

 

Thứ sáu, rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường ngành phải nghiêm ngặt hơn các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nói chung, đặc biệt chú trọng các ngành nhuộm, thuộc da, sản xuất giấy, luyện thép từ quặng..., tiếp cận với quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của các nước tiên tiến.

 

Thứ bảy, rà soát quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại đáp ứng nhu cầu theo quy mô phát sinh các loại chất thải này tại các địa phương, các khu vực kinh tế trọng điểm, nơi có các dự án lớn.

 

Thứ tám, tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường trên phạm vi cả nước; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường để xây dựng thông tin nền về môi trường, tạo cơ sở phân vùng môi trường, xác định sức chịu tải môi trường và nâng cao công tác hoạch định chính sách, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp đối với các dự án đầu tư...

 

Thứ chín, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát đảm bảo việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường đối với những dự án đã đi vào hoạt động, trước hết là các dự án có nguồn thải ra sông, ra biển. Và thứ mười, ăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường tại các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm tiết kiệm, hỗ trợ và thực hiện có hiệu quả các hoạt động quản lý môi trường tại địa phương. Trước mắt, điều chỉnh tái cơ cấu đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường ngay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020…

 

Cuối phần trình bày của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu lên các giải pháp lâu dài trong công tác bảo vệ môi trường như: Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa ; Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; Rà soát, chấn chỉnh, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường như đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường...

 

“Và muốn bảo vệ môi trường một cách căn cơ, mộ trong những công tác quan trọng đó là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường...” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 

Đã đến thời điểm để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ bảo vệ môi trường

Cuối bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Đảng và Nhà nước ta đã luôn chủ trương và khẳng định rõ quan điểm: “phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường” và “phát triển kinh tế – xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học”. Phát triển ở Việt Nam phải bền vững nhằm hướng tới mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tham dự hội nghị
Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tham dự hội nghị

 

Đó cũng chính là những quan điểm chỉ đạo điều hành xuyên suốt của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua cũng như hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua các chủ trương, quan điểm chỉ đạo đúng đắn nói trên đã không được nhiều cấp, nhiều ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc.

 

Hệ quả là đất nước chúng ta đã và đang trong một giai đoạn phát triển nóng, chỉ tập trung cho mục tiêu tăng trưởng mà quên đi các mục tiêu về phát triển bền vững. Nhiều nơi đã hết sức tạo điều kiện mời gọi các dự án đầu tư, song chưa quan tâm đúng mức tới các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta hiện đang lấy của cải, tài nguyên của thế hệ tương lai cho mục đích phát triển kinh tế.

 

“Nếu chúng ta vẫn cứ tiếp tục giai đoạn phát triển như hiện nay sẽ không thoát ra được bẫy thu nhập trung bình, không cạnh tranh được với các hàng rào kỹ thuật mà thế giới đưa ra trong quá trình hội nhập. Việt Nam và các thế hệ trong tương lai sẽ phải chịu thừa hưởng một gia sản nghèo nàn và một môi trường ô nhiễm từ cha ông. Do đó, tôi đề nghị hội nghị ngày hôm nay phải là thời điểm để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo ra được sự thay đổi, xác lập nền móng chắc chắn để thực hiện các chủ trương, quan điểm về bảo vệ môi trường trong các Nghị quyết của Đảng” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.



Nguồn: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường

 


Số lượt người xem: 3958    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm