• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
0
6
5
2
7
6
Tin tức sự kiện 17 Tháng Sáu 2013 8:35:00 SA

Tái chế chất thải manh mún, lạc hậu - Hàng ngàn tỷ đồng đang bị lãng phí

Tái chế, tái sử dụng các nguồn phế thải là một trong những giải pháp quan trọng để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Không chỉ vậy, tại nhiều nước trên thế giới, đây còn là một ngành công nghiệp hái ra tiền tỷ… USD.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (bìa trái) tham quan công nghệ xử lý chất thải rắn Đa Phước.

        Trông người...

Ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty Xử lý chất thải Rắn Việt Nam, chủ đầu tư Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, TPHCM-trước khi trở về nước đầu tư là một trong những doanh nhân hoạt động trong ngành xử lý, tái chế rác thải thuộc tốp 100 ở Mỹ. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về hoạt động tái chế ở Mỹ, ông David Dương cho biết, theo Viện Công nghệ tái chế phế liệu (ISRI) Mỹ, ngành công nghiệp tái chế phế liệu Mỹ tạo ra gần 460.000 việc làm và trung bình mỗi năm tạo ra một khoản doanh thu trị giá khoảng 90,6 tỷ USD cho nền kinh tế đất nước này. Số tiền đó tương đương với 0,6% GDP, xấp xỉ với mức đóng góp của tất cả các đội thi đấu thể thao chuyên nghiệp của Hoa Kỳ gộp lại. Trong tổng doanh thu 90,6 tỷ USD, các doanh nghiệp tái chế nộp thuế 10,3 tỷ USD cho chính phủ. Cũng theo ông David Dương, bất chấp những khó khăn về kinh tế, ngành công nghiệp tái chế Mỹ vẫn hoạt động tốt vì nó giúp nước Mỹ tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Yêu cầu tái chế được cụ thể hóa đến từng nhà máy của từng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải ở Mỹ. Tại 3 nhà máy xử lý rác đang được xây dựng của ông David Dương tại 2 TP Oakland và Stockton bang California (Mỹ) đều có thiết bị phân loại phế liệu tái chế. 

Tại Nhật Bản, việc tái chế và tái sử dụng phế liệu luôn được khuyến khích bằng các sắc thuế, các chính sách ưu đãi về tài chính. Năm 1992, Nhật Bản ban hành quy định “Xúc tiến sử dụng những tài nguyên tái chế”. Sau đó, năm 1997, Luật Xúc tiến thu gom, phân loại, tái chế các loại bao bì được thông qua đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng những sản phẩm tái chế bằng cách định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Theo luật này, người dân phải phân chia rác theo từng loại. Các cơ quan môi trường sẽ đến thu gom rác theo từng loại và chuyển tới các nhà máy xử lý rác. Hiện tại, Nhật Bản đang chú trọng đầu tư nâng cao hơn nữa khả năng tái sinh của rác thải để tạo thêm lợi nhuận và bảo vệ môi trường sống. 

Một số quốc gia như Thái Lan, Singapore với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, mỗi năm tiết kiệm được 50%-55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế các chất thải này.

        ... lại ngẫm đến ta

Thống kê của Bộ TN-MT cho thấy, trung bình mỗi năm Hà Nội và TPHCM thải ra khoảng 16.000 tấn chất thải, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó có đến 50% - 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới nhưng chỉ khoảng 10% trong số này được tái chế và tái sử dụng. 

Đưa rác sinh hoạt vào xử lý tại Khu xử lý rác xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Việc đầu tư, xây dựng nhà máy tái chế trong các khu dân cư, theo các quy định về bảo vệ môi trường là không được phép. Một nơi chưa cấm các hoạt động tái chế, đó là cụm công nghiệp nhưng đầu tư vào đây như thế nào thì chưa được quy định rõ. Trong khi đó, “nguồn tài nguyên” từ chất thải ở Việt Nam nói chung và TPHCM không nhỏ. Chỉ tính riêng chất thải nhựa, trung bình mỗi năm có khoảng 50.000 tấn chất thải từ nhựa bị chôn lấp cùng các loại chất thải khác. Nếu tái chế và tái sử dụng được số nhựa này thì trước hết với chi phí chôn lấp một tấn rác hiện nay khoảng 300.000 đồng/tấn, việc không phải chôn lấp 50.000 tấn nhựa thải sẽ giúp TPHCM tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng/năm. Lượng nhựa tái sinh sẽ góp phần làm giảm giá nguyên liệu đầu vào 30%, qua đó làm giảm 15% giá thành sản phẩm. Ngược lại, nếu không tái chế nhựa thải, với mức tăng dân số bình quân 3,5% và tốc độ tiêu thụ sản phẩm nhựa tại TPHCM đạt bằng mức bình quân thế giới hiện nay (40kg/người) thì đến năm 2020, lượng nhựa tiêu thụ cũng như lượng chất thải nhựa phát sinh sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm. Đây sẽ là một gánh nặng đối với công tác quản lý môi trường của thành phố.

Số lượng rác được tái chế ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung không những ít về số lượng mà các cơ sở tái chế đa phần còn nhỏ về quy mô, lạc hậu về công nghệ. Theo Quỹ Tái chế chất thải TPHCM, có đến 99% cơ sở tái chế của thành phố hoạt động với quy mô vừa và nhỏ, trong đó hơn 90% cơ sở tái chế chất thải không có cán bộ chuyên trách về môi trường. 94% cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải và khoảng 84% số cơ sở không có hệ thống xử lý khí thải. Nhiều cơ sở tái chế chất thải không góp phần bảo vệ môi trường mà còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong khu vực sản xuất. 

Với 12 triệu dân ở TPHCM và hơn 80 triệu dân cả nước, nếu mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10% như dự tính thì điều này đồng nghĩa với hàng trăm ngàn tấn rác có thể tái chế, trị giá nhiều tỷ đồng bị lãng phí.

 

 
 

Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đầu tư và quản lý hoạt động Khu xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM. Trung bình mỗi ngày, Khu xử lý rác Đa Phước xử lý khoảng 3.000 tấn rác sinh hoạt, ước khoảng 50% lượng rác thải sinh hoạt cho thành phố. Với trách nhiệm của một đơn vị xử lý môi trường uy tín tại Hoa Kỳ, hàng năm ở Việt Nam, VWS tài trợ cho nhiều chương trình tuyên truyền, giáo dục giúp người dân hiểu được ý nghĩa việc phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải mang lại lợi ích cho chính họ và cho xã hội. Tại Mỹ, Công ty Xử lý chất thải rắn (CWS) - công ty “mẹ” của VWS đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ bằng cách thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan nhà máy cho các em học sinh từ tiểu học đến trung học để giúp các em hiểu rằng rác là nguồn tài nguyên có thể tái sinh, mang lại lợi ích cho xã hội.

 
 

NGUYỄN KHOA


Số lượt người xem: 4221    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm