Nước mặn hiện đã xâm nhập sớm vào tỉnh Bến Tre (trên sông Hàm Luông) và tỉnh Tiền Giang (trên sông Cửa Đại). Đây có phải là biểu hiện bất thường của biến đổi khí hậu? Chúng ta cần ứng phó như thế nào trước những diễn biến thời tiết không còn theo quy luật như trước đây? Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Anh Tuấn (ảnh), Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ).
* Phóng viên: Thưa ông, nước mặn xâm nhập sớm tại một số cửa sông, liệu có phải bất thường?
* PGS-TS LÊ ANH TUẤN: Giữa tháng 11-20016, nước mặn cao hơn thường kỳ được ghi nhận ở các cửa sông thuộc ĐBSCL như cửa Đại, cửa Hàm Luông, cửa Cung Hầu, cửa Trần Đề. Tuy nhiên, không đủ chứng cớ để kết luận đây là biểu hiện bất thường của biến đổi khí hậu (BĐKH), dù rằng vùng ĐBSCL đang chứng kiến hiện tượng BĐKH và nước biển dâng xảy ra. Thực chất, đây là tác động ngắn hạn của kỳ triều cường mạnh hơn do hiện tượng “trăng tròn cận điểm” (mà một số người gọi là “siêu mặt trăng”, xảy ra 1 lần trong khoảng 70 năm). Hiện tượng này xảy ra trùng khớp với thời điểm điểm mặt trăng chuyển động trên quỹ đạo của nó đến vị trí gần trái đất nhất, tạo nên lực vạn vật hấp dẫn cao nhất giữa mặt trăng và trái đất nên thủy triều dâng lên cao, hệ quả là nước mặn tràn sâu hơn vào đất liền. Đúng ra, hiện tượng này đã được thông báo trước, nên mọi người cần có trước những biện pháp chống đỡ phù hợp. Trong những tháng cuối năm, lượng mưa ở ĐBSCL có cao hơn năm trước nhưng mực nước từ thượng nguồn chỉ ở mức thấp nên mùa khô 2016 - 2017 sẽ tiếp tục gay gắt hơn so với mùa khô năm 2015 - 2016.
* Ông đánh giá thế nào về nỗ lực ứng phó với BĐKH của giới khoa học, ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân vùng ĐBSCL?
* Theo đánh giá của cá nhân tôi, giới khoa học, ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện những nỗ lực ứng phó với BĐKH nhưng chủ yếu chỉ ở những biện pháp đối phó mang tính ngắn hạn (dưới 10 năm) hoặc xa hơn mới ở mức trung hạn (10 - 20 năm); rất ít những giải pháp dài hạn (trên 20 năm). Nguyên do là thiếu kinh phí, thiếu nhân lực, thiếu sự hỗ trợ chính sách, chiến lược. Để có những giải pháp căn cơ cho tương lai xa, cần có những quy hoạch tổng thể dài hạn cấp vùng và chính sách liên kết không gian rộng lớn hơn. Ngoài ra, cần mở rộng và xem xét thêm những tổ hợp kịch bản hoặc các dự báo tình huống xấu mang tính xuyên biên giới để phụ họa rõ nguy cơ BĐKH.
* Vậy, để chủ động ứng phó cũng như giảm thiểu xuống mức thấp nhất những tác hại do BĐKH gây ra về trước mắt cũng như lâu dài, theo ông cần những giải pháp cụ thể nào?
* Trước tiên, cần xác định các đối tượng chịu tổn thương, đánh giá mức độ tổn thương. Tìm các giống cây trồng và vật nuôi có khả năng chịu đựng ngưỡng thời tiết - khí hậu khắc nghiệt hơn. Điều chỉnh lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp. Ghi nhận các hình thức thích nghi theo tập quán địa phương. Tăng cường năng lực, nhận thức, ý thức và hành vi bảo vệ môi trường - sinh thái, giảm thiểu các tác nhân làm khí hậu xấu hơn. Xây dựng và duy trì mạng lưới thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cấp hệ thống cảnh báo thời tiết - thiên tai. Đề xuất và thử nghiệm các mô hình thích nghi với hoàn cảnh mới: các kiểu kiến trúc nhà, ngoại cảnh, các trang thiết bị phòng tránh thiên tai ở mức cộng đồng. Xây dựng quy chuẩn xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện BĐKH và nước biển dâng trong tương lai.
Các địa phương cần hạn chế đầu tư các dự án công nghiệp có tiềm năng gây ô nhiễm cao như nhiệt điện than, công nghiệp giấy, sản xuất hóa chất, xi mạ, sơn nhuộm... Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mang tính bền vững. Lồng ghép các biện pháp thích nghi với BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường hợp tác quốc tế và quốc gia, thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin và học tập các mô hình ứng phó với BĐKH ở trong và ngoài nước.
* Theo ông, những đòi hỏi bức bách đặt ra từ thực tiễn cần phải tập trung giải quyết để phát triển vùng ĐBSCL bền vững, ông có kiến nghị gì với các cơ quan Trung ương?
* Để phát triển vùng ĐBSCL bền vững, tôi kiến nghị chính quyền các tỉnh ĐBSCL và cơ quan Trung ương, cần phối hợp với các nhà khoa học, đặc biệt với những chuyên gia về tài nguyên - môi trường và xã hội. Đây là điều cần thiết, sự phối hợp hài hòa, nhịp nhàng sẽ tạo động lực đẩy nhanh quá trình rà soát các chính sách và chiến lược hỗ trợ cho giải pháp ứng phó với BĐKH. Hạn chế tối đa việc đầu tư những công nghệ công nghiệp lạc hậu, gây ô nhiễm, phát thải cao khí nhà kính, tiêu hao tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học. Phải ưu tiên duy trì bền vững các hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái sông - biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn và từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư phù hợp. Nhà nước cũng cần xem xét lại các chính sách sản xuất lúa quá mức như hiện nay; mở rộng hạn điền, tăng quyền sử dụng đất cho người canh tác theo hướng hiện đại hơn và thân thiện môi trường hơn. Ngoài ra, chính phủ cần có những giải pháp ngoại giao nguồn nước để hạn chế những nguy cơ do tác động nước xuyên biên giới từ thượng nguồn của hệ thống sông Mê Công.
°Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo SGGPO