• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
6
6
3
2
8
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 20 Tháng Chín 2023 10:10:00 SA

TPHCM: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy mô dưới 500 ha để thực hiện dự án trên địa bàn

(HCM CityWeb) – Sáng 19/9, tại kỳ họp thứ mười một (kỳ họp chuyên đề) Hội đồng nhân dân Thành phố khóa X, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã thay mặt UBND TP báo cáo nội dung 9 tờ trình của UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết triển khai nội dung cụ thể Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường trình bày tóm tắt nội dung các tờ trình của UBND TP trình HĐND TP

Một, tờ trình về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh

Sau quá trình thí điểm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm kết hợp lực lượng từ 3 Sở (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từ năm 2017 đến nay, UBND TP trình HĐND TP xem xét, ban hành Nghị quyết về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM. Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh một đô thị lớn, không ngừng phát triển như TPHCM. Đây sẽ là cơ quan chuyên môn có chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP, khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành theo mô hình Ban Quản lý trước đó.

Hai, tờ trình về quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy mô dưới 500 ha để thực hiện dự án trên địa bàn TPHCM

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của TP và theo nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của các huyện/quận/thành phố cũng như của tổ chức, cá nhân; UBND TP trình HĐND TP thông qua Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô dưới 500ha để thực hiện dự án trên địa bàn TPHCM theo đúng thẩm quyền. Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa được xem xét dựa trên nhu cầu, sự cần thiết phải chuyển đổi; phải đảm bảo phù hợp với các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quyết định, phê duyệt; đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Ba, tờ trình về quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa

UBND TP trình HĐND TP thông qua quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa trên địa bàn TPHCM, gồm (1) Lĩnh vực y tế: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên;

(2) Lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Đối với dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên; Đối với dự án đầu tư cơ sở vật chất tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên; Đối với dự án đầu tư xây dựng trường lớp: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên và

(3) Lĩnh vực thể thao và văn hóa: Đối với các thiết chế thể thao và văn hóa do TP quản lý: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng trở lên; Đối với các thiết chế thể thao và văn hóa do quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn quản lý: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 10 tỷ đồng trở lên.

Bốn, tờ trình về quy định chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức

Khoản 3 Điều 10 Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội quy định: “HĐND TPHCM quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thành phố Thủ Đức ...”.

Trên cơ sở đó, UBND TP kính trình HĐND TP thông qua Nghị quyết quy định chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức; trong đó, quy định nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức; nhiệm vụ của tổ chức hành chính khác trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức; nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức; chức năng của các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức; chức năng của tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Thủ Đức; chức năng của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức; chức năng của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức được thí điểm thành lập.

Năm, tờ trình về cơ cấu tổ chức bộ máy tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức

Cũng căn cứ Khoản 3 Điều 10 Nghị quyết số 98/2023/QH15, trên cơ sở Đề án và các đề án nhánh về tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức, UBND TP trình HĐND TP thông qua Nghị quyết quy định cơ cấu tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức, gồm cơ cấu tổ chức của UBND thành phố Thủ Đức; số lượng, tên gọi và cơ cấu tổ chức của các tổ chức hành chính thuộc UBND thành phố Thủ Đức; tên gọi và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố Thủ Đức; thí điểm thành lập 3 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức (Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Thủ Đức; Trung tâm An sinh xã hội thành phố Thủ Đức; Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Thủ Đức) với thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm.

Sáu, tờ trình về Đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn

Đến ngày 30/5/2023, có 78% trong tổng số 312 phường, xã, thị trấn thuộc TP có quy mô dân số vượt qua tiêu chuẩn dân số quy định tại tiêu chí phân loại đơn vị hành chính cấp xã. Đặc biệt, giai đoạn 2022 - 2026, bình quân 1 cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn tại TPHCM đang phục vụ 1.554 người dân, gấp 3 lần so với số lượng người dân mà một cán bộ, công chức bình quân cả nước phục vụ.

Do đó, UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về Đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn; nhằm đảm bảo số lượng đội ngũ hợp lý, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời. Ước dự toán tổng ngân sách cần bổ sung để đảm bảo giải quyết chế độ, chính sách hằng năm đối với số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tăng bổ sung theo Đề án là 495,123 tỷ đồng/năm.

Bảy, tờ trình về ban hành quy định về chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Để kịp thời cụ thể hóa quy định của Nghị quyết số 98/2023/QH15, đồng thời thay thế Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của HĐND TP (đã hết hiệu lực thi hành), UBND TP trình HĐND TP thông qua chính sách chi thu nhập tăng thêm nhằm tạo động lực đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP; khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, giảm thiểu tình trạng nghỉ việc, chảy máu chất xám và thiếu hụt nhân lực trong thời gian vừa qua; với đối tượng, mức chi cụ thể tại Tờ trình và có hiệu lực thi hành đến hết thời gian thí điểm của Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Tám, tờ trình về quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP

UBND TP trình HĐND TP thông qua Nghị quyết ban hành quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM trên cơ sở Nghị quyết 98/2023/QH15 và kế thừa, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ đã thực hiện trong 2 Chương trình trước đây tại Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND ngày 8/10/2018 của HĐND TP và Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND TP; trong đó điều chỉnh, bổ sung thêm một số ngành nghề, lĩnh vực vào Chương trình hỗ trợ lãi suất mà TP đang khuyến khích phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp công nghệ cao, 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 6 ngành công nghiệp ưu tiên, giáo dục - đào tạo, y tế… với mức vốn vay tối đa của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỷ đồng/dự án; thời gian hỗ trợ lãi suất đối với các dự án không quá 7 năm; tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 3.400 tỷ đồng.

Chín, tờ trình về ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT)

UBND TP trình HĐND TP thông qua Nghị quyết ban hành danh mục 5 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại Hợp đồng BOT mà trước mắt cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2030, gồm: (1) Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu rạch Vĩnh Bình, giáp ranh tỉnh Bình Dương); (2) Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc - đến ranh tỉnh Long An); (3) Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); (4) Mở rộng trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh - nút giao cầu Bà Chiêm); (5) Xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Ngoài ra, cũng tại kỳ họp này, UBND TP trình HĐND TP thông qua 98 tờ trình các nội dung về kinh tế - xã hội, gồm:

1. Tờ trình về việc quy định nội dung chi, mức chi một số hoạt động y tế - dân số trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023 - 2025;

2. Tờ trình về chính sách hỗ trợ chi phí điều trị tật khúc xạ mắt đối với công dân đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

3. Tờ trình về quy định về mức chi giải thưởng cuộc thi, liên hoan, cuộc vận động sáng tác trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp;

4. Tờ trình về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024;

5. Tờ trình về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM;

6. Tờ trình về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương;

7. Tờ trình về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương;

8. Tờ trình về ban hành Nghị quyết bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách Thành phố năm 2023;

9. Tờ trình về quy định mức chi triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại TPHCM;

10. Tờ trình về thông qua giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2023 trên địa bàn TPHCM;

11. Tờ trình về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TPHCM.

Và 87 tờ trình quyết định chủ trương, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của 87 dự án đầu tư công.

Đại biểu HĐND TP biểu quyết thông qua các tờ trình của UBND TP

Tại phiên họp sáng 19/9, các đại biểu HĐND TP đã thảo luận, thông qua 4 tờ trình, gồm:

Tờ trình về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh;

Tờ trình về cơ cấu tổ chức bộ máy tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức;

Tờ trình về ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT)

Tờ trình về quy định chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức.

Minh Thư - Minh Dung

 

Nguồn: HCM CityWeb


Số lượt người xem: 531    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm