• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
4
5
6
1
5
Tin tức sự kiện 11 Tháng Giêng 2017 3:40:00 CH

Khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg

 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg, Bộ TN&MT ký Công văn số 4734/BTNMT-TCMT ngày 21/10/2016 hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị. Theo đó, đã hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị theo các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao; đồng thời định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ TN&MT để tổng hợp, báo cáo.
 

Hướng dẫn đôn đốc quán triệt, triển khai và ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị

Tổng cục Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ trình Bộ trưởng ký Quyết định số 2807/QĐ-BTNMT ngày 06/12/2016 ban hành Kế hoạch của Bộ TN&MT thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg; trong đó từng nhiệm vụ, giải pháp được phân công trách nhiệm cụ thể cho đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp nhằm triển khai có hiệu quả, bảo đảm tiến độ nhiệm vụ được giao. Theo đó, có 08 đơn vị được phân công chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời phê duyệt về nguyên tắc danh mục 28 dự án, nhiệm vụ ưu tiên.

 

Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg, nhiều Bộ, ngành và địa phương đã khẩn trương thực hiện tốt công tác quán triệt nội dung của Chỉ thị tới các đoàn thể, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường để giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách. Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động nhằm cụ thể hoá các nội dung của Chỉ thị số 25/CT-TTg chưa được triển khai đồng đều tại các địa phương. Tính đến ngày 25/12/2016, có 05 Bộ (Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường) đã xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg; ngoài ra mặc dù không được phân công nhiệm vụ cụ thể, một số Bộ, ngành không xây dựng Kế hoạch hành động nhưng đã tổ chức quán triệt và lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch có liên quan của đơn vị. Có 23/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện (Bao gồm 11 tỉnh/thành phố: Quảng Ninh; Lai Châu; Lạng Sơn; Hà Nam; Hòa Bình; Nam Định; Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Phú Thọ, Gia Lai) hoặc đã tổ chức quán triệt, giao đơn vị chức năng xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện (Bao gồm 12 tỉnh/thành phố: Hà Nội; Khánh Hòa; Phú Thọ; Quảng Ngãi; Bắc Giang; Đà Nẵng; Thành phố Hồ Chí Minh; Hải Phòng; Tây Ninh; An Giang; Thái Bình; Ninh Bình) (đạt tỷ lệ gần 37%).  

 

Các hoạt động triển khai thực hiện cụ thể

Trên cơ sở các hướng tiếp cận cụ thể, xác định rõ đối tượng, trách nhiệm cũng như chỉ rõ được các biện pháp, công cụ giải quyết các vấn đề môi trường, Tổng cục Môi trường đã, đang và sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, trước mắt tập trung thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ, giải pháp đột phá.

Một là, đối với vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp đặc biệt là các dự án thải khối lượng lớn nước thải, khí thải, chất thải rắn công nghiệp, nhất là chất thải nguy hại, khí thải, cần khoanh vùng đối tượng, điều tra, đánh giá, phân loại, xác định đối tượng chính, có tiềm ẩn gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường để áp dụng các biện pháp cụ thể, thường xuyên, liên tục đảm bảo các đối tượng này thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.

 

Hai là, đối với vấn đề ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất công nghiệp chưa tốt, đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến nhiều sự cố, vụ việc về môi trường trong thời gian qua, cần tập trung áp dụng các công cụ, biện pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn. Cụ thể như các cơ sở đối phó với cơ quan quản lý, khi có sự hiện diện của cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, giám sát thì các cơ sở vận hành hệ thống xử lý chất thải, ngược lại khi không có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, các cơ sở sẵn sàng xả trực tiếp chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường. Trong khi đó, các cơ quan quản lý không thể kiểm tra, giám sát hàng ngày các hoạt động của cơ sở. Do đó, cần áp dụng các công cụ, biện pháp như quan trắc tự động, camera tự động, xây dựng hồ điều hòa để kiểm chứng chất lượng nước thải sau xử lý trong 4 - 5 ngày, sau đó mới thải ra môi trường.

 

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung vào đối tượng có loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất lạc hậu, nguồn thải lớn, xả thải ra những khu vực nhạy cảm về môi trường như ven biển, lưu vực sông. Tiến hành xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính về môi trường phục vụ trực tiếp cho lực lượng thanh tra, kiểm tra…Tổng cục Môi trường đã tiến hành thống kê, rà soát, tổng hợp các nguồn thải ra biển và cửa sông ven biển có khối lượng từ 1.000m3/ngày.đêm trở lên tại 26 tỉnh/thành phố ven biển, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thải ra sông, biển có khối lượng nước thải từ 200m3/ngày.đêm trở lên trên phạm vi cả nước để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra diện rộng về môi trường. Kết quả, đã thống kê, rà soát được trên 1.300 cơ sở; phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức 03 Đoàn thanh tra diện rộng trên địa bàn 23 tỉnh, thành phố với 137 tổ chức được thanh tra.

 

Bốn là, trong công tác bảo vệ môi trường, bên cạnh những vấn đề được giải quyết thông qua các công cụ, biện pháp quản lý, cũng có nhiều vấn đề đòi hỏi cần nguồn lực đầu tư để  xử lý như vấn đề nước thải đô thị, rác thải công nghiệp. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt giải pháp về xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường và phải có cơ chế, chính sách đột phá để huy động, thu hút các nguồn lực xã hội, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, hình thành ngành dịch vụ, ngành công nghiệp môi trường để giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường của nước ta hiện nay. Những dịch vụ, công trình hạ tầng chưa có sự tham gia của người dân và xã hội như: quan trắc môi trường, xử lý chất thải sinh hoạt, nước thải đô thị, giám sát môi trường… cần được kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT để sớm hoàn thiện hạ tầng xử lý môi trường. Ngoài ra, cần tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội. Trước mắt cần điều chỉnh nguồn thu cho môi trường nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền", "người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”, đồng thời xem xét, cho phép sử dụng toàn bộ nguồn thu này để quay lại đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.

 

Ngoài ra, Tổng cục Môi trường đã đề xuất xây dựng và triển khai các đề án lớn, đồng bộ nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường như: tổng điều tra, thống kê, đánh giá phân loại các nguồn gây ô nhiễm môi trường, các khu vực ô nhiễm, suy thoái môi trường trên phạm vi toàn quốc và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; xây dựng, trình bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương để có thể thực hiện ngay từ năm 2017. Thành lập Tổ công tác rà soát các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải và nước thải ngành sản xuất thép (Quyết định số 1176/QĐ-BTNMT ngày 25/5/2016); đã tiến hành nghiên cứu, tham khảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của một số nước trên thế giới, xây dựng lộ trình hoàn thiện, sửa đổi các quy chuẩn về môi trường trong thời gian tới. Hiện nay, Tổng cục Môi trường đang triển khai xây dựng và dự kiến ban hành 08 quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường (Bao gồm: QCVN về công nghiệp lọc hóa dầu đối với bụi và các chất vô cơ; QCVN về dung dịch khoan và mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển; QCVN về nước khai thác thải ra từ các công trình dầu khí trên biển; QCVN về nước thải của kho và cửa hàng xăng dầu; QCVN về nước thải công nghiệp; QCVN về nước thải y tế; QCVN về tiếng ồn; QCVN về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất).

 

Trong năm 2017, dự kiến xây dựng các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường KKT, KCN, CCN và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Bên cạnh đó, Tổng cục đã hoàn thành việc rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn thi hành trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; đã báo cáo Chính phủ cho phép đưa vào Chương trình công tác năm 2017 của Chính phủ.



Nguồn: CTTĐT

 


Số lượt người xem: 1858    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm