Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, có đến 94% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng nằm trong Quyết định 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ đã được rút tên, di dời, ngưng hoạt động hoặc hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để.
Để đạt được hiệu quả này, theo đại diện Tổng cục Bảo vệ môi trường, đã có nhiều cơ sở chủ động đầu tư, xử lý ô nhiễm. Số khác do sức ép cạnh tranh, áp lực cộng đồng và xã hội về hành vi vi phạm môi trường phải tự giải thể, ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi loại hình sản xuất không còn gây ô nhiễm môi trường. Về phía cơ quan chức năng đã đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp gây ô nhiễm, xử phạt nặng những đơn vị cố tình kéo dài hành vi vi phạm môi trường của mình.
Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế, trong khi cả nước phải mất gần 10 năm để xử lý xong gần 500 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thì lại để phát sinh gần 3.856 cơ sở gây ô nhiễm mới. Nguyên nhân là do hiện nay khâu cấp phép thành lập chưa bắt buộc doanh nghiệp phải có phương án xây dựng đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định Luật Bảo vệ môi trường. Đó là chưa kể, khi đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp dù đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng để tiết giảm chi phí đầu tư xử lý môi trường, họ vẫn lén lút xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.
Đơn cử, tại TPHCM, hiện chỉ còn 1 doanh nghiệp là Công ty Xi măng Hà Tiên gây ô nhiễm nghiêm trọng nằm trong Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ chưa khắc phục. Thế nhưng, kết quả khảo sát thực tế tại 450 nguồn thải của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố, có đến 60% trong tổng lượng nguồn thải không đạt tiêu chuẩn quy định. Và đây cũng chỉ mới là thống kê những doanh nghiệp có lượng nước thải từ 50m3/ngày trở lên. Còn cơ sở sản xuất có lượng nước thải dưới 50m3/ngày trở xuống hiện vẫn chưa thống kê được.
Để giải quyết dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm, cần thiết phải kiểm soát chặt ngay từ khâu cấp phép thành lập doanh nghiệp. Theo đó, những doanh nghiệp nào không đáp ứng đủ yêu cầu về phòng ngừa và bảo vệ môi trường, kiên quyết không cấp phép thành lập. Riêng với những doanh nghiệp đang hoạt động, nếu nằm khu vực đông dân cư, tỉnh thành cần có chính sách hỗ trợ để họ di dời hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng có lợi cho môi trường. Trường hợp cố tình không chấp hành Luật Bảo vệ môi trường thì phải xử phạt thật nặng.
Đồng thời, thực hiện hình thức phạt bổ sung là buộc tạm ngưng hoạt động công đoạn phát sinh gây ô nhiễm. Còn với những doanh nghiệp thuộc khu vực công ích, các bộ ngành, địa phương cần đa dạng hóa nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất… Có như vậy mới mong sớm chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay.
PHÚC ANH