TPHCM có 2.000km kênh rạch, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thoát nước trên địa bàn TP. Những năm qua, với sự nỗ lực của TP, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé đã dần hồi sinh. Tuy nhiên, một số kênh rạch khác vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng ô nhiễm.
Ô nhiễm nghiêm trọng
Rạch Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh) tràn ngập rác và mùi hôi thối. Dù đã gắn biển cấm xả rác, ghi mức phạt và rào lưới chắn bảo vệ, một số người dân vẫn đem rác và các chất thải khác xả xuống, thậm chí hàng lưới chắn bảo vệ còn bị một số người dân cắt ra để bỏ rác. Quá nhiều rác được vứt xuống kênh đã làm cho nước kênh không tiêu thoát được, biến thành ao tù và sinh sôi rất nhiều ruồi muỗi. Chị Trần Thị Thu An, một người dân sống tại đây cho biết, năm 2000, phường có phổ biến xuống khu dân cư là sẽ giải tỏa các hộ dân sống dọc kênh, đồng thời triển khai dự án cải tạo kênh này. Thế nhưng đến nay, do chưa thống nhất đơn giá đền bù nên người dân vẫn ở và rác vẫn ngập kênh. Thậm chí, nhiều người dân còn lấn chiếm hết lòng rạch để mở rộng nhà ở, khiến cho tình trạng ngập úng trên đoạn đường Nguyễn Cửu Vân vào mùa mưa ngày càng trầm trọng hơn.
Tương tự, tại rạch Ông Độ, nhánh 1 gần cầu Kênh Tẻ quận 7, rạch Phú Lộc huyện Bình Chánh, kênh Nước Đen quận Bình Tân, rạch Cầu Dừa quận 4… cũng đang là những điểm nhức nhối về nạn ô nhiễm nguồn nước và rác. Riêng tại rạch Cầu Dừa, người dân đã lên tiếng kêu cứu từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện. Dòng nước kênh tại đây đã chuyển sang màu đen ngòm. Những ngày không khí nóng bức, mùi nước lẫn mùi rác thải bốc lên nồng nặc. Đêm đến thì muỗi xuất hiện nhiều như châu chấu. Sốt xuất huyết, giun sán, tiêu chảy... là những bệnh thường gặp ở các khu vực dân cư này.
Đi dọc theo kênh Tàu Hủ, càng về phía quận 8, rác xuất hiện trên mặt kênh ngày càng nhiều. Các tàu thuyền buôn bán ở khu vực bến Bình Đông cũng như sinh hoạt của người dân ven kênh là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Ông Nguyễn Thành Chiến, bán trà sữa ở khu vực cầu Khánh Hội, cho biết: “Ban đêm, có rất đông người đến câu cá dưới gầm cầu. Họ thường xả bỏ đồ ăn, thức uống… thẳng xuống kênh hoặc vứt đại trên bờ. Chưa hết, nhiều xe bán hàng rong ở khu vực này cũng không ngần ngại đổ hết rác xuống kênh”. Còn hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thời gian gần đây nở rộ quán nhậu về đêm. Một số chủ quán nhậu bỏ thẳng lượng rác - chủ yếu là thực phẩm ra kênh. Mặc dù vẫn có thuyền đi vớt rác trên kênh định kỳ nhưng với tình trạng vứt rác bừa bãi như vậy, con kênh khó có thể duy trì sự hồi sinh một cách lâu dài.
Nguy hại vì nước bẩn
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Cảnh Dương, Phó phòng Kiểm soát ô nhiễm, Sở Tài nguyên và Môi trường TP, cho biết, hiện trung bình mỗi ngày TP vớt 9 - 10 tấn rác trên hệ thống kênh rạch chính. Còn lại có rất nhiều tuyến kênh rạch vì quá hẹp, không thể sử dụng các phương tiện máy móc để vớt rác nên không thể thống kê hết. Về chất lượng nguồn nước, hầu hết các tuyến kênh đều không đạt tiêu chuẩn nước loại B theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường Đại học Quốc gia TPHCM, lo ngại: “Việc xả rác không đơn thuần dừng lại tác hại là gây ô nhiễm nguồn nước và tắc nghẽn hệ thống thoát nước. Đáng lo ngại hơn, ô nhiễm nguồn nước đang là nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ người mắc các bệnh cấp tính và mãn tính như viêm màng kết, tiêu chảy, ung thư… ngày càng tăng. Đặc biệt là vào mùa khô, ô nhiễm nguồn nước có thể gây ra các bệnh dịch về đường tiêu hóa như tả lỵ, thương hàn…”.
Bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, nguyên Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết thêm, sự tắc nghẽn của hệ thống thoát nước kết hợp với chế độ thủy triều của thành phố đang dẫn đến thực trạng nước ô nhiễm tràn ngược vào khu dân cư, thậm chí nhà dân. Đây chính là yếu tố khiến cho tỷ lệ người dân mắc các chứng bệnh về đường ruột, lao, đau mắt đỏ hay sốt xuất huyết… liên tục gia tăng tại TPHCM trong những năm gần đây. Trên thực tế, có những khu vực dân cư như quận 8, quận 6, quận 5, Bình Thạnh bùng phát dịch sốt xuất huyết, tả lỵ… với tần suất từ 3 - 4 lần/năm.
Cải thiện thực trạng ô nhiễm kênh rạch là điều cần thiết. Mong muốn chung của nhiều người dân đang sống tại những khu vực kênh rạch ô nhiễm là chính quyền địa phương có thể cải tạo môi trường sống cho họ, hoặc thương lượng đền bù thỏa đáng để họ có thể nhanh chóng chuyển đi. Còn với những người vẫn giữ thói quen xả rác bừa bãi, TPHCM cần có những giải pháp mạnh tay hơn. Trong đó, có thể áp dụng biện pháp phạt tiền thật nặng. Có như vậy mới mong cải thiện được thói quen sống thiếu thân thiện với môi trường của một bộ phận người dân. Đồng thời, tạo nền tảng bền vững để cải tạo và ngăn ngừa tái ô nhiễm tại các tuyến kênh rạch trên địa bàn thành phố.
|
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 9.000 ca tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Còn theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có đến 80% số ca bệnh lỵ và tiêu chảy đều do nguồn nước ô nhiễm. |
|
Minh Xuân-Thanh Ngân