Ông Nguyễn Văn Phước khẳng định, nguồn nước thải sinh hoạt từ khu dân cư là một nhân tố không nhỏ góp phần gây ô nhiễm nguồn nước. Kết quả quan trắc cuối năm 2012 của Tổng cục Môi trường ở khu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè và hệ thống các kênh rạch nội, ngoại thành cho thấy hàm lượng oxy hòa tan (DO) tại tất cả các điểm quan trắc đều xấp xỉ hoặc thấp hơn quy chuẩn cho phép nước loại B1. 50% điểm lấy mẫu cho ra chỉ số hàm lượng SS vượt quy chuẩn chất lượng nước loại B từ 1,2 - 7,0 lần. Hàm lượng Nitơ cao gấp 3,5 - 5,8 lần, riêng ô nhiễm vi sinh (Coliforms) vượt đến 24,9 lần tiêu chuẩn cho phép. Điều đáng nói, nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần một phần xuất phát từ việc sử dụng thực phẩm quá lãng phí của một số người.
|
Sử dụng thức ăn vừa đủ là phong cách tiêu dùng thân thiện với môi trường. Ảnh: Phạm Kim Ngân
|
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số khu vực nhà hàng tự chọn như Parkson Hùng Vương, NowZone, Co.op Lý Thường Kiệt, khách sạn Victory... có rất nhiều người để thừa phần ăn của mình. Tình trạng lãng phí thức ăn không chỉ diễn ra tại các nhà hàng kinh doanh thực phẩm tự chọn mà kể cả các nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng tổ chức liên hoan cũng xảy ra thực phẩm dư rất nhiều. Một số ít đơn vị kinh doanh đã xử lý thực phẩm thừa bằng cách cho vào chậu, sau đó cho các hộ chăn nuôi gia súc. Nhưng cũng không ít nơi xử lý thực phẩm thừa bằng cách bỏ rác hoặc đổ vào miệng cống trên các tuyến đường. Nhận xét về thực tế này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND quận 8, cho biết, lãng phí thực phẩm không chỉ là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn gây lãng phí chi phí đầu tư cho sản xuất và tiền của người tiêu dùng. Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỷ tấn lương thực, tương đương 1/3 sản lượng nông nghiệp toàn cầu. Trong khi đó, cứ 7 người thì có 1 người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày. Như vậy, có hơn 1 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm, trong khi còn gần 1 tỷ người trên trái đất đang thiếu đói.
Bắt đầu từ những việc nhỏ
Việc lãng phí thực phẩm không chỉ là sự lãng phí về tài chính, ảnh hưởng an ninh lương thực mà còn tác động rất lớn tới môi trường. Và trên thực tế điều đó đang xảy ra rất phổ biến tại các thành phố lớn của Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là TPHCM. Đại diện tổ chức FAO khuyến nghị người tiêu dùng có thể tham gia nỗ lực giảm tình trạng lãng phí thực phẩm trên toàn cầu và giúp thế giới “định hình một tương lai ổn định hơn”, đơn giản bằng cách lên kế hoạch cho các bữa ăn, liệt kê danh sách những thứ cần mua trước khi mua sắm, tránh mua theo cảm hứng để ngăn chặn tình trạng mua thực phẩm nhiều hơn mức cần thiết, hướng đến một phong cách tiêu dùng thân thiện với môi trường, bền vững cho tương lai.
Đồng thuận quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, tiêu dùng bền vững sẽ là một lựa chọn phù hợp trong thời buổi hiện nay. Điều đáng nói là hành động này đôi khi chỉ bắt đầu bằng việc thay đổi những thói quen rất nhỏ như sử dụng các loại rau quả chất lượng được sản xuất tại địa phương để tiết kiệm chi phí vận chuyển, bảo quản thực phẩm đúng cách, cân đối nguồn thực phẩm sử dụng đúng và đủ, tránh sử dụng dư thừa quá mức…
Trong thời gian tới, để giúp cộng đồng sử dụng thực phẩm hiệu quả hơn, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cộng đồng, các đơn vị kinh doanh về ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí trong sản xuất cũng như tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cũng cho biết, trước những hậu quả to lớn từ việc lãng phí thực phẩm gây ra, TPHCM sẽ tập trung tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư, nhà hàng khách sạn, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu du lịch… nâng cao ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí thực phẩm; hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh có các hoạt động thân thiện môi trường; người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường hoạt động góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố như gia tăng mảng xanh đô thị, cải tạo nâng cấp và chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật như hệ thống kênh rạch, hệ thống thoát cấp nước, trang bị các tiện ích công cộng về vệ sinh và bảo vệ môi trường. Không dừng lại ở đó, thành phố sẽ tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện vệ sinh môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ môi trường.
Có thể thấy rằng, ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên của thế giới đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và chất lượng cuộc sống của mọi người. Nếu mọi người cùng nhau thay đổi nhận thức, hành vi và lối sống của mình thì sẽ mang lại những hiệu quả tích cực hơn.
MINH XUÂN - HẢI THANH