• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
0
8
8
2
1
5
Tin tức sự kiện 13 Tháng Mười Hai 2013 10:45:00 SA

Tòa án môi trường - Lương tâm lên tiếng!

(TN&MT) - Trước những diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi của tội phạm về môi trường, các nhà làm luật cho rằng, cần nhanh chóng thành lập tòa án môi trường để giải quyết vấn đề tranh chấp môi trường còn tồn tại nhiều bất cập trong cơ chế giải quyết, có khi bị đẩy lên đỉnh điểm gây ra các vụ tranh chấp rất lớn như hiện nay.
Khi lương tâm phủ bóng đồng tiền
 
Môi trường tự nhiên, môi trường sống đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ với tiến trình công nghiệp hóa, với việc ngày càng nhiều nhà máy được xây dựng. Nhà kinh doanh khi đầu tư sản xuất đều biết mức độ tác động môi trường từ cơ sở sản xuất của mình, biết rõ phải phải đầu tư hệ thống xử lý như thế nào để không gây ô nhiễm môi trường.
 
Mâu thuẫn đã xảy ra giữa những tính toán lợi nhuận và đầu tư bảo vệ môi trường. Không nhà đầu tư nào không mong muốn có lợi nhuận cao nhất, vì thế, nếu lợi nhuận không đến từ ưu thế tạo được bởi thiết bị công nghệ mới, hay từ khả năng cạnh tranh cao nhờ đầu tư đúng hướng, thì rất dễ nảy sinh ra tình trạng “ăn bớt” đầu tư cho bảo vệ môi trường. Nhất là trong các trường hợp, khi chi phí cho hệ thống xử lý chất thải, khí thải quá lớn, có khi gần bằng cả chi phí đầu tư cho dây chuyền thiết bị sản xuất của nhà máy.
 
Ở đây, vì chạy theo lợi nhuận, nhà kinh doanh không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đáng bị lên án bởi hành vi thiếu đạo đức trong ứng xử với cộng đồng. Lợi nhà kinh doanh hưởng, còn thiệt hại cộng đồng gánh chịu và khắc phục. Hành vi gây ô nhiễm môi trường như thế, còn được xem như tội ác, doanh nghiệp đó là “kẻ ăn quỵt môi trường”.
 
Không chỉ vi phạm pháp luật, doanh nghiệp còn đáng bị lên án bởi hành vi thiếu đạo đức trong ứng xử với cộng đồng
 
 
Những con số thống kê của Bộ TN&MT gần đây cho thấy thực trạng rất báo động về những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hiện có đến 40% KCN, KCX trên cả nước vi phạm pháp luật BVMT. Theo tính toán, bình quân mỗi ngày, KCN, KCX, khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí, chất thải độc hại khác; hàng chục vạn m3 nước thải. Cần nhấn mạnh rằng, nước thải, khí thải, chất thải hoạt động sản xuất công nghiệp rất nguy hiểm (hàm lượng và tính hóa lý cao); ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến môi trường, không khí, sức khỏe lâu dài của con người. 100% môi trường làng nghề truyền thống của nước đang bị ô nhiễm; chưa có hệ thống xử lý môi trường. Hoạt động sản xuất kinh doanh lớn nhỏ hầu như chưa quan tâm đến việc BVMT, ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đến BVMT. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội hiện nay.
 
Đến lúc phải có tòa án môi trường
 
Theo tính toán, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh lãi được 10 đồng nhưng không quan tâm vấn đề BVMT thì sau đó chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường phải tiêu tốn gấp 10 lần hiệu quả kinh tế thu được. Trên thực tế, pháp luật BVMT nước ta đã cơ bản đầy đủ, thậm chí đã có điều khoản truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật BVMT. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc BVMT với các biểu hiện chính như quá lạm dụng tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên; xả rác thải, khí thải, nước thải ra chưa qua xử lý môi trường tự nhiên…
 
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 25.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Trong đó, đã khởi tố trên 350 vụ án với gần 400 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 tỷ đồng. Những vi phạm này diễn ra phổ biến nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản và môi trường đô thị. Có thể nói, việc gây ô nhiễm của các doanh nghiệp là nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt những vụ khiếu kiện, xung đột môi trường trong thời gian qua.
 
Điển hình là vụ vi phạm của Công ty Vedan; Nhà máy xử lý nước thải tập trung Sonadezi Long Thành tại Đồng Nai; Công ty Tung Kuang (Cẩm Giàng, Hải Dương). Mới đây nhất là vụ việc Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái bị phát hiện chôn thuốc trừ sâu quá hạn, hóa chất ngay tại khuôn viên nhà máy, gây ô nhiễm môi trường, tạo nên sự bất bình và chấn động lớn trong dư luận.
 
Theo nhận đinh của các chuyên gia môi trường, về lâu dài, cần sớm thành lập Tòa án chuyên trách về môi trường trực thuộc Tòa án cấp tỉnh ở những nơi có khu công nghiệp và các Thẩm phán chuyên trách về môi trường nhằm giải quyết có hiệu quả và triệt để các sự vụ ô nhiễm môi trường trên diện rộng có thể gây thiệt hại cho nhiều hộ dân sống ở các địa phương khác nhau.
 
Mặt khác, việc minh bạch hóa thẩm quyền hành chính, dân sự và tư pháp trong việc giải quyết tranh chấp môi trường cũng là việc làm cần thiết. Do vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để thiết lập một thiết chế tương tự như Ủy ban điều phối tranh chấp môi trường với những quyền hạn cụ thể sẽ góp phần giải quyết kịp thời và hiệu quả hơn các khiếu kiện môi trường ở Việt Nam.
 
Thêm vào đó, cần tăng cường sự minh bạch trong công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu kiện môi trường nhằm hạn chế tối đa những phản ứng tiêu cực từ phía người dân, đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình hòa giải, giải quyết vụ việc. Đặc biệt, cần quy định cụ thể vai trò của các bên liên quan, trong đó có các cấp chính quyền cơ sở nhằm tạo ràng buộc pháp lý hối thúc các đơn vị này vào cuộc thực sự trong những vụ khiếu kiện môi trường.
 
                                                                                                                                                                                                                                                       Phương Anh

Số lượt người xem: 3919    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm