Đoàn công tác của Tổng cục Môi trường tiến hành kiểm tra mô hình xử lý CTNH tại Nam Định
Xử lý tùy tiện
Thực tế cho thấy, việc quản lý và xử lý chất thải không an toàn, đặc biệt là các loại CTNH, đã để lại những hậu quả nặng nề về môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng như các điểm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, các bãi rác không hợp vệ sinh, các bãi đổ chất thải của các nhà máy sản xuất…
Theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), hàng năm, lượng CTNH của cả nước ước tới 156.000 tấn. Trong khi đó, mới chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải. Vì vậy, tổng lượng CTNH được xử lý chỉ đạt khoảng 30%, số còn lại bị chôn lấp, đổ thải hoặc tái sử dụng một cách trái phép. Các hoạt động thanh kiểm tra và xử lý vi phạm chỉ khoảng 10% so với tình hình thực tế.
Đáng báo động, chính các đơn vị được giao trách nhiệm xử lý loại chất thải này lại chính là thủ phạm gây gây ô nhiễm nhiều nhất. Những doanh nghiệp này ký hợp đồng thu gom CTNH với các công ty để xử lý, nhưng sau đó lại không làm đúng chức năng của mình mà phần lớn chỉ mang chất thải nguy hại chôn dưới đất. Dù hiện nay trong khi CTNH trong nước chưa được xử lý đến nơi đến chốn, nhiều doanh nghiệp còn nhập CTNH vào Việt Nam bằng nhiều con đường, sau đó, chở đi bán kiếm lời khá cao.
Lo ngại hơn cả, trong quá trình phát triển và đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, dự báo tính đến năm 2015, tổng lượng chất thải phát sinh sẽ lên đến 35 triệu tấn/năm. Trong đó, lượng CTNH sẽ chiếm khoảng 18-25% tại nơi phát sinh chất thải và thành phần chất thải sẽ biến đổi từ chỗ dễ phân hủy sang khó phân hủy, nguy hại hơn. Điều này kéo theo đòi hỏi về trình độ công nghệ xử lý chất thải hiện đại hơn. Thế nhưng, ngược lại với tốc độ gia tăng nhanh chóng của lượng chất thải, nội lực đầu tư cho ngành xử lý chất thải đang hết sức “èo uột”. Chỉ có sự tham gia của vài cơ sở sản xuất nhỏ. Hơn nữa, với tư duy đầu tư kinh doanh theo kiểu “ăn xổi, ở thì” đã khiến cho thị trường xử lý, tái chế chất thải đang bị cạnh tranh một cách “méo mó”. Số ít doanh nghiệp đầu tư bài bản, làm ăn chân chính trong lĩnh vực xử lý chất thải đang điêu đứng vì không thể ký được các hợp đồng thu gom chất thải. Còn các cơ sở nhỏ lẻ, không đủ năng lực thì lại sống ung dung.
Cố tình “né” luật?
Công tác quản lý CTNH còn yếu, có dấu hiệu "lách luật" để cấp phép hành nghề quản lý CTNH. Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia về môi trường trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về quản lý, xử lý CTNH bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Mặc dù thời gian qua, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lí, xử lý CTNH, nhưng, việc thực hiện các quy định pháp luật nêu trên tại một số địa phương và các đơn vị hành nghề quản lý CTNH còn nhiều hạn chế. Rất nhiều đơn vị chưa nắm bắt rõ, hoặc hiểu chưa đúng các quy định trong Thông tư 12 về quản lý CTNH, việc áp dụng quy chuẩn để phân định CTNH còn nhiều lúng túng.
Mặt khác, hiện trạng thông tin, số liệu về tình hình phát sinh CTNH hiện nay trên phạm vi toàn quốc chưa đồng bộ, thiếu nhất quán về số liệu phát sinh CTNH nên đã gây khó khăn trong công tác quản lý… Vì vậy, nếu không có các biện pháp quản lý phù hợp sẽ dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao do việc phát sinh và xử lý CTNH gây ra.
Quy định pháp lý hiện nay tuy chặt chẽ nhưng công tác giám sát thực hiện chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt đối với những đơn vị hành nghề xử lý dẫn đến việc thực hiện ở một số đơn vị mang tính chất đối phó. Ngoài ra, cho đến nay vẫn chưa có quy định về quản lý chất thải công nghiệp không nguy hại, nhất là bùn thải nên đang xuất hiện xu hướng chuyển mã bùn thải từ nguy hại thành không nguy hại của các chủ nguồn thải nhằm giảm nhẹ chi phí xử lý. Nhìn nhận từ các văn bản ban hành, danh mục CTNH được phép chôn lấp chỉ có 11 loại song tiêu chí phân loại chất thải trong và ngoài danh mục lại chưa rõ ràng. Lợi dụng kẽ hở đó, nhiều công ty cố tình nhập nhằng “lách luật” để trà trộn chất thải không được phép vào và đem chôn lấp. Rất khó phát hiện hành vi sai phạm như vậy vì chưa có đơn vị nào kiểm soát.
Các chuyên gia nhận định, để thực sự đảm bảo công tác quản lý CTNH đạt yêu cầu, cần phát triển công nghệ xử lý CTNH tại Việt Nam cả về chất lượng và số lượng. Ngoài ra, cần nghiên cứu chuyên biệt hoá các công nghệ để xử lý các loại CTNH đặc thù. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các công nghệ đã được cấp phép hoạt động tuân thủ đúng quy định, đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Phương Anh