UBND TP.HCM vừa ban hành Quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2025.
Đến năm 2025, đất xây dựng đô thị của TP.HCM khoảng 90.000 - 100.000 ha, trong đó, khu vực nội thành khoảng 49.000 ha và khu vực ngoại thành khoảng 40.000 - 50.000 ha. Đất xây dựng sẽ được phát triển theo từng thời kỳ 2010 -2015, 2015 - 2025 và được tiến hành cắm mốc để quản lý; tiến hành cắm mốc các ranh giới phát triển đô thị trung tâm, các đô thị mới, hành lang xanh và vùng cảnh quan tự nhiên. Đất chưa xây dựng sẽ được cắm mốc xác định ranh giới diện tích để quản lý, trong quá trình phát triển chưa khai thác đến vẫn được sử dụng như hiện trạng tránh xáo trộn về công ăn việc làm, ảnh hưởng an sinh xã hội.
Dân số toàn TP.HCM đến năm 2025 khoảng 10 triệu người (không kể khách vãng lai và tạm trú dưới 6 tháng khoảng 2,5 triệu người). Trong đó, dân số đô thị khoảng 9,5 triệu người và dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người. Dân số khu vực nội thành khoảng 7,0 - 7,4 triệu người; dân số ngoại thành khoảng 2,6 - 3,0 triệu người (trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người).
TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển, cụ thể: Phát triển Thành phố theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp Thành phố tại bốn hướng phát triển; Phát triển Thành phố với hai hướng chính là: Hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: Hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam; Không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi; Phát triển đô thị gắn với mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về các chỉ tiêu sử dụng đất, tại khu vực nội thành hiện hữu: Đất xây dựng đô thị: 31,6 m2/người; đất ở: 13,1 m2/người; đất cây xanh: 2,4 m2/người; đất công trình công cộng: 2,9 m2/người; Khu vực nội thành phát triển mới: đất xây dựng đô thị: 104 m2/người; đất ở: 38,4 m2/người; đất cây xanh: 7,1 m2/người; đất công trình công cộng: 4,6 m2/người; Khu vực đô thị tại các huyện ngoại thành: đất xây dựng đô thị: 110 m2/người; đất ở: 50m2/người; đất cây xanh: 12 m2/người; đất công trình công cộng: 5 m2/người.
|
TP.HCM sẽ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất. |
|
Đến năm 2015, TP.HCM phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 17 m²/người, năm 2020 là 20 m²/người và đến năm 2025 phấn đấu đạt 22,4 m²/ người. Khu vực nội thành cũ tập trung cải tạo, nâng chất lượng; bảo tồn các khu nhà ở có giá trị lịch sử, văn hóa. TP.HCM sẽ xây dựng các giải pháp, cơ chế chính sách đồng bộ theo kinh tế thị trường có định hướng nhằm khuyến khích quá trình giảm mật độ dân số.
Khu đô thị mới sẽ phát triển nhà ở theo dự án quy mô lớn, đảm bảo đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và không gian ngầm. Ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án có quy mô lớn từ 500 ha trở lên trong các khu đô thị mới. Đối với nhà ở nông thôn, phát triển nhà ở đồng bộ gắn với quy hoạch các điểm dân cư nông thôn tập trung. Ngoài ra, TP.HCM sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhà ở nông thôn cũng như các hướng dẫn thực hiện; bảo tồn tôn tạo kiến trúc nhà ở truyền thống; nghiên cứu phát triển các mẫu nhà ở mới phù hợp với điều kiện sản xuất, ứng phó được với thiên tai.
Trong đó, kiến trúc nhà ở phát triển theo xu hướng kiến trúc xanh, hài hòa với thiên nhiên, nhằm tiết kiệm năng lượng và đảm bảo sức khỏe con người, không làm giảm tính tiện nghi và thẩm mỹ nghệ thuật trong không gian sống của người đô thị. Giảm tỷ lệ nhà bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố và chấm dứt dạng nhà đơn sơ, tăng tỷ lệ nhà kiên cố lên 30% trong các loại nhà ở đô thị vào năm 2015, 40% vào năm 2020 và đến năm 2025 tỷ lệ nhà kiến cố đạt 50% trong tổng số quỹ nhà.
Đối với hệ thống các khu công viên, cây xanh, tại các quận nội thành cũ sẽ giữ gìn, cải tạo các khu công viên, cây xanh hiện hữu có diện tích khoảng 200 ha. Tận dụng quỹ đất của các cơ cở công nghiệp phải di dời để phát triển thêm diện tích công viên, cây xanh có diện tích khoảng 250 ha. Bảo vệ và quản lý tốt khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có diện tích khoảng 75.000 ha; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Bình Chánh có diện tích khoảng 1.500 ha, huyện Củ Chi có diện tích khoảng 2.250 ha. Bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè có diện tích khoảng 7.000 ha. Dải cây xanh dọc các sông lớn trên địa bàn các huyện, nhiều đoạn, nhiều điểm có chiều rộng lớn, với bề rộng từ 50-800m.
Về đất cho công nghiệp, các xí nghiệp công nghiệp được phép tồn tại ở khu vực nội thành là các xí nghiệp đã được quy hoạch xác định, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo các yêu cầu an toàn phòng cháy nổ, không gây ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư xung quanh hoặc các xí nghiệp đã được xử lý làm sạch đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường trước khi thải ra ngoài khuôn viên của xí nghiệp. Thành phố sẽ di dời các xí nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành cũ, hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực nội thành phát triển; trong Thành phố không phát triển các cụm công nghiệp mới và có kế hoạch chuyển đổi các cụm công nghiệp lên khu công nghiệp;
Các khu công nghiệp mở rộng và hình thành mới, tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông. Các khu - cụm công nghiệp tập trung: tổng diện tích 8.792ha, trong đó gồm 1 khu công nghệ cao có diện tích 872 ha; 22 khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất có diện tích 6.242,5 ha và các cụm công nghiệp địa phương (cũ và mới) có diện tích 1.677,5 ha.
Nguyễn Thanh