• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
4
4
0
6
1
Tin tức sự kiện 15 Tháng Bảy 2014 10:25:00 SA

Văn phòng đăng ký đất đai một cấp: Đề xuất nhân rộng mô hình

(TN&MT) - Sau 2 năm thực hiện Đề án thí điểm kiện toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp trực thuộc Sở TN&MT tại 4 tỉnh, thành phố Hà Nam, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai đã cho thấy ưu điểm nổi bật. Qua đó, làm cơ sở để kiện toàn Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất từ hai cấp thành một cấp theo Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Việc xây dựng và kiện toàn mô hình và nhân rộng đang được Bộ TN&MT gấp rút thực hiện.
Nhiều ưu điểm
 
Kết quả thử nghiệm 2 năm qua đã thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật của mô hình Văn phòng Đăng ký một cấp so với trước đây. Cụ thể là hoạt động đăng ký, cấp giấy chứng nhận đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, có tính chuyên nghiệp hơn. Tại Đà Nẵng, sau khi chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố đã phát hiện và xử lý hàng nghìn trường hợp trước đây đã giải quyết thủ tục không đúng quy định.
 
Đội ngũ cán bộ chuyên môn trong toàn hệ thống văn phòng đăng ký được điều động linh hoạt, sử dụng có hiệu quả để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm theo đúng kế hoạch của địa phương; chất lượng thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp GCN được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện thủ tục được đảm bảo, một số nơi đã rút ngắn hơn nhiều so với trước đây. Điển hình là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hà Nam đã giảm thời gian thực hiện đối với nhiều loại thủ tục từ 1/3 đến 1/2 thời gian so với trước đây.
 
Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp đã thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật. Ảnh: MH
 
 
Cụ thể, tại Đà Nẵng, sau 2 năm triển khai, Văn phòng đã thực hiện đăng ký cấp lần đầu được 23.291 GCN với diện tích 31.215ha. Giải quyết gần 90.000 hồ sơ đăng ký biến động sau khi cấp GCN. Đặc biệt, thời gian cấp GCN lần đầu cho người sử dụng đất là 15 ngày, trường hợp được giao đất, được cho thuê đất, được bố trí tái định cư, cấp đổi bổ sung quyền sở hữu đất là 10 ngày, trường hợp cấp đổi do bị rách, nhoè là 7 ngày. Việc trễ hẹn chỉ ở mức dưới 3% so với tổng số hồ sơ được giải quyết. Qua đó, đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tổ chức, công dân trên địa bàn.
 
Còn tại, Đồng Nai sau gần 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có hơn 39.000 GCN được cấp mới và hơn 69.000 giấy được cấp đổi. Ngoài ra, còn lập các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho gần 173.000 trường hợp. Đồng thời, cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên vào hồ sơ địa chính cho gần 189.000 thửa đất để dễ quản lý, theo dõi và rút ngắn được thời gian khi người dân có nhu cầu làm các thủ tục có liên quan đến thửa đất đang sử dụng.
 
Tuy nhiên, việc kiện toàn mô hình Văn phòng Đăng ký một cấp còn một số nội dung ở một số địa phương chưa được thực hiện đầy đủ, như số lượng nhân lực chuyên môn của Văn phòng Đăng ký một cấp và một số chi nhánh của tỉnh Hà Nam và thành phố Hải Phòng còn ít; bộ máy của Văn phòng đăng ký thành phố Hải Phòng chưa đầy đủ, điều kiện thiết bị máy móc, nhà làm việc và kho lưu trữ của Văn phòng tại các chi nhánh còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc bổ nhiệm lãnh đạo các chi nhánh, ban hành quy chế phòng hợp giữa chi nhánh và Phòng TN&MT còn chậm.
 
Bên cạnh đó, việc thử nghiệm cơ chế tài chính cho hoạt động của Văn phòng Đăng ký một cấp không thực hiện được, do việc đầu tư ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp ở các địa phương không được bảo đảm nên không có cơ sở đánh giá.
 
Nhân rộng theo mô hình mới
 
Để nhân rộng mô hình Văn phòng Đăng ký một cấp trên phạm vi cả nước theo quy định của Nghị định 43, Bộ TN&MT đề xuất mô hình chung cho các tỉnh, thành phố với một số tiêu chí trọng điểm như tên gọi chung là "Văn phòng Đăng ký đất đai" như đã quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Đơn vị này có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn làm đầu mối tổ chức thực hiện các thủ tục và lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho người có nhu cầu.
 
Bên cạnh đó, Văn phòng còn thực hiện việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất cho tất cả các đối tượng sử dụng đất, đối tượng được giao quản lý đất; xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp cho các trường hợp đăng ký biến động đất đai theo quy định; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai. Về quy trình kiện toàn văn phòng các địa phương phải thực hiện các bước như: Xây dựng đề cương đề án kiện toàn Văn phòng hai cấp thành một cấp; thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện đề án; điều tra, khảo sát, xây dựng báo cáo đánh giá thực trạng về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực... của Văn phòng; trình UBND cấp tỉnh phê duyệt đề án.
 
Thực hiện chuyển đổi các Văn phòng Đăng ký sử dụng đất hiện có thành Văn phòng Đăng ký đất đai như giao thẩm quyền, bổ nhiệm lãnh đạo Văn phòng các chi nhánh; bố trí trụ sở, bố trí cán bộ và phân bổ trang thiết bị...
 
Bên cạnh đó, phải xây dựng, trình duyệt đề án vị trí việc làm, kế hoạch biên chế, lao động của từng đơn vị trực thuộc văn phòng và các chi nhánh; tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; xây dựng, trình duyệt phương án thu, chi tài chính đảm bảo hoạt động của Văn phòng và các chi nhánh...
 
                                                                                                                                                                   Trường Giang
 
Theo Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đến hết năm 2015, tất cả các địa phương phải hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp hay còn gọi là Văn phòng đăng ký đất đai.

Số lượt người xem: 7339    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm