• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
8
8
4
0
2
Tin tức sự kiện 15 Tháng Bảy 2015 1:15:00 CH

Cần chủ động ứng phó với cực đoan khí hậu

Trung bình hàng năm số người thương vong và thiệt hại về kinh tế do thiên tai và hiện tượng cực đoan ở Việt Nam so với các nước khác là khá cao. Vậy Việt Nam cần làm gì để hạn chế rủi ro do các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan gây ra. Để hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Thắng (ảnh), Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

 

 






 
 
 

 

*PV: Cực đoan khí hậu có ảnh hưởng gì đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội thưa ông?

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng: Các hiện tượng cực đoan có thể tác động độc lập hoặc tương tác với nhau, có thể cường hoá lẫn nhau và làm tăng mức độ phơi bày trước hiểm họa và tính dễ bị tổn thương của hệ thống tự nhiên - xã hội. Trong khi đó, nắng nóng và hạn hán làm giảm năng suất cây trồng, giảm diện tích gieo trồng, giảm sản lượng cây trồng, tăng chi phí sản suất nông nghiệp, giảm thu nhập của lao động nông nghiệp, tăng giá thành và giá cả lương thực, các nhà máy thủy điện gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành...

 

Trong hơn 30 năm qua tại Việt Nam, bình quân mỗi năm thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế vào khoảng 1,5% GDP, cao hơn so với khoảng 1% GDP đối với các nước có thu nhập trung bình. Thiệt hại (tính bằng tiền) đối với nông nghiệp, thủy lợi, giao thông và thủy sản do thiên tai ở Việt Nam giai đoạn 1989-2009 có xu hướng giảm, nhưng số lượng trường học, bệnh viện… bị hư hại có xu hướng tăng.

 

*PV: Vậy những kịch bản của các hiện tượng cực đoan có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới là gì thưa ông?

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng:  Với xu thế nóng lên toàn cầu hiện nay, khả năng cao là các cực đoan nhiệt độ sẽ có xu thế gia tăng trong tương lai ở hầu hết các vùng, nhất là khu vực miền Trung. Theo kịch bản khí nhà kính cao RCP8.5, vào cuối thế kỷ 21 số đợt nắng nóng (3 ngày nắng nóng liên tiếp) gia tăng, đặc biệt khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên với mức tăng có thể lên tới 6 đến 10 đợt; các khu vực còn lại có mức tăng từ 2 đến 6 đợt. Tần suất mưa lớn dự tính sẽ nhiều hơn, tăng rủi ro sạt lở đất ở các khu vực miền núi.

 

Dự tính trong thế kỷ 21, theo kịch bản khí nhà kính cao RCP8.5, hạn hán có thể xuất hiện nhiều hơn và kéo dài hơn ở hầu hết các vùng khí hậu; tần suất hoạt động của El Nino với dị thường nhiệt độ mặt nước biển dương ở khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương có xu thế tăng. Những vùng hiện đang trải qua những tác động bất lợi như xói lở bờ biển và ngập lụt sẽ tiếp tục bị như vậy trong tương lai do mực nước biển tăng lên. Sự dâng lên của mực nước biển trung bình do BĐKH nếu kết hợp với mực nước dâng do bão, triều cường... cùng với khả năng gia tăng gió mạnh trong bão là một mối đe dọa cụ thể cho các vùng ven biển.

 

*PV: Trước những hiện tượng như vậy, Việt Nam cần làm gì để giảm thiểu tác động của các hiện tượng cực đoan thưa ông?

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng: Thông điệp của Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới nhấn mạnh, kiến thức về khí hậu tích lũy trong các thập kỉ vừa qua là nguồn tài nguyên vô giá và là điều kiện tiên quyết để các cơ quan chức năng ra những quyết định và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Ngày Khí tượng Thế giới năm 2015 cũng có chủ đề “Khí hậu: Nhận thức để hành động”.

 

Ở góc độ trong nước, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận từ các kết quả phân tích rằng, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với thiên tai và cũng có các biện pháp để giảm thiểu tác động của thiên tai và hiện tượng cực đoan. Trung bình hàng năm số người thương vong và thiệt hại về kinh tế do thiên tai và hiện tượng cực đoan ở Việt Nam so với các nước khác là khá cao, trong khi đó những rủi ro đang ngày càng gia tăng và có thể được xem như là tác động của BĐKH. Việt Nam đã bắt đầu có các biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu dài hạn. Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH cần được phối hợp tốt hơn ở tất cả các cấp, và chúng phải được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch phát triển và đầu tư của từng ngành và địa phương.

 

Một trong những bài học quan trọng là cần khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH. Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho người dân thông qua các hình thức giáo dục và truyền thông hiệu quả, chỉ rõ mối liên hệ giữa BĐKH và các cực đoan khí hậu, rủi ro thiên tai. Những bài học từ ứng phó thiên tai cho thấy thích ứng với BĐKH không chỉ nên tập trung vào các giải pháp công trình mà cần có sự kết hợp hài hòa với các biện pháp phi công trình như sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của người dân, kết hợp với các biện pháp cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức, huy động cả hệ thống chính trị - xã hội với việc phân công trách nhiệm ở từng cấp. Việc chia sẻ thông tin kịp thời sẽ phục vụ cho việc xây dựng chính sách, các kế hoạch và biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả…

 

*PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

 

 

 

 

Theo Website Bộ TNMT.


Số lượt người xem: 3377    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm