• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
9
6
9
1
6
0
Tin tức sự kiện 07 Tháng Giêng 2016 10:25:00 SA

1 năm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2014: Đòn bẩy cho phát triển bền vững

 

 

 



Ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

 

 

 
 
Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Nhiều chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cũng được thực hiện trên cả nước với sự tham gia của các nhà quản lý, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, từng bước đưa Luật đi vào cuộc sống. Sau 1 năm triển khai thi hành Luật, bước sang năm mới 2016, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường.

 

PV: Thưa ông, sau 1 năm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2014, công tác quản lý môi trường ở cả Trung ương và địa phương đã có những chuyển biến như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tài: Thời gian triển khai Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) mới được 1 năm, chưa đủ để đánh giá các kết quả cụ thể, tuy vậy, có thể nhận thấy, Luật BVMT đã tạo hành lang pháp lý để người dân thực hiện tốt hơn quyền được sống trong môi trường trong lành và khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, mọi người dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường; vai trò của người dân được nâng cao và phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia xây dựng quy định pháp luật, triển khai và giám sát cộng đồng thực thi quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Cùng với vai trò của người dân được củng cố và nâng cao, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng từng bước thể hiện vị trí “chỉ huy” trong công tác BVMT của cả nước. Việc chỉ đạo tập trung từ Trung ương tới địa phương tạo tính thống nhất trong triển khai các quy định BVMT đã bước đầu đem lại những kết quả tích cực thể hiện qua số vụ việc vi phạm pháp luật về BVMT có xu hướng giảm, những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã có ý thức tuân thủ cao hơn, chấp hành tốt hơn các quy định pháp luật về BVMT, đặc biệt là những quy định về kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, quản lý chất thải nguy hại, chế độ thông tin, báo cáo, xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,...

  

 PV: Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường đã thực sự đi vào cuộc sống như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài: Trước hết, chúng ta phải hiểu, các quy định của pháp luật phải bắt đầu từ cuộc sống và là một phần của cuộc sống chứ không nên coi là một cái gì đó mới đi vào cuộc sống.

 

Nhìn một cách tổng quan có thể thấy rằng, Luật BVMT có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện qua một số chế định mới quan trọng của Luật BVMT như: chế định về đánh giá tác động môi được quy định rõ ràng, minh bạch hơn theo hướng cải cách hành chính nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng của công tác thẩm định, đã tạo điều kiện cho các chủ dự án thực hiện chế định này một cách nghiêm túc, tránh tình trạng “trốn” lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khi triển khai dự án; chế định về nhập khẩu phế liệu chỉ cho phép nhập khẩu trực tiếp và nhập khẩu ủy thác đã góp phần ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam; chế định về quản lý chất thải nguy hại với những quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch thông tin đã giúp cho doanh nghiệp thực thi quy định này tốt hơn, tránh tình trạng oan sai trong xử lý các hành vi vi phạm hành chính về quản lý chất thải nguy hại; chế định về quan trắc môi trường có sự phân định rõ ràng trách nhiệm thực hiện quan trắc giữa cơ quan, tổ chức bảo vệ môi trường với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quan trắc đi vào thực chất hơn, giảm chi phí không cần thiết cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chế định về tài chính cho hoạt động BVMT với sự phân định giữa chi hoạt động sự nghiệp BVMT với chi đầu tư phát triển BVMT đã giúp cho nguồn lực từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho sự nghiệp BVMT được chi đúng, chi đủ theo mục tiêu đề ra; chế định về sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường có những quy định về ưu tiên mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường giúp cho các tổ chức, cá nhân từng bước chuyển đổi thói quen tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất theo hướng thân thiện hơn đối với môi trường; chế định về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương với sự phân định rõ ràng đã giúp cho công tác quản lý Nhà nước về BVMT có bước chuyển biến tích cực hơn, các Bộ, ngành đã phối hợp với Bộ TN&MT trong việc ban hành các quy định pháp luật về BVMT qua đó, giúp giảm thiểu sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật về BVMT được ban hành bởi nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau...

 

 

Đạp xe hưởng ứng "Vì môi trường xanh- sạch- đẹp". Ảnh:MH

 

 PV: Thưa ông, những vướng mắc chính trong quá trình triển khai thi hành Luật là gì? Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường có những hoạt động ra sao để giải quyết các vướng mắc tại địa phương cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường?

Ông Nguyễn Văn Tài: Trong quá trình triển khai thi hành Luật, nhìn chung có 2 nhóm vướng mắc chính là: Việc xây dựng, ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; Việc tổ chức thực hiện của một số cấp chính quyền còn thiếu quyết liệt, kinh phí cho công tác BVMT còn hạn chế.

 

Đối với nhóm thứ nhất, việc chậm xây dựng, ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, Luật BVMT mới ban hành với nhiều chế định mới đòi hỏi phải có những văn bản kỹ thuật hướng dẫn chi tiết thi hành, việc xây dựng các văn bản này cần phải có thời gian nhất định do có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà quản lý, khoa học trong lĩnh vực môi trường; do vậy, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã không được ban hành đúng theo tiến độ đã đề ra.  Để khắc phục hạn chế này, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Tổng cục Môi trường đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, đảm bảo trong năm 2016 sẽ cơ bản hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT.

 

Đối với nhóm thứ hai, để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, trước tiên, phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế còn một số cấp chính quyền địa phương chấp nhận “hi sinh” lợi ích môi trường vì mục tiêu phát triển kinh tế trước mắt, do đó công tác bảo vệ môi trường chưa được coi trọng đúng mức. Thứ hai, nguồn lực về tài chính, về nhân lực cho công tác BVMT hiện còn rất hạn chế, vẫn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước; chủ trương xã hội hóa công tác BVMT đã có nhưng thực tế kết quả đạt được chưa nhiều; trong khi đó kinh phí cần cho công tác BVMT là rất lớn. Việc thu gom, xử lý rác thải; xử lý nước thải sinh hoạt; khắc phục, cải tạo môi trường, xử lý các điểm nóng về môi trường cần nguồn lực tài chính rất lớn, không thể chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy xã hội hóa công tác BVMT, thu hút các nguồn lực toàn xã hội vào công tác BVMT, có như vậy sự nghiệp BVMT của chúng ta mới thu được những kết quả như mong muốn.

   

  PV: Quốc hội vừa thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trong đó, có điểm mới là quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, pháp nhân gây ô nhiễm môi trường, đưa chất thải vào Việt Nam trái phép... sẽ bị xử lý hình sự. Theo ông, quy định mới này có hạn chế được tình trạng tội phạm môi trường?

Ông Nguyễn Văn Tài: Đây là lần đầu tiên ở nước ta quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là bước tiến mới trong thực thi chính sách xử lý hình sự của nước ta. Với các quy định pháp luật phân định ranh giới giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự, chế định về tội phạm môi trường, trong đó, có xử lý các pháp nhân vi phạm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa các tội phạm môi trường ra xét xử, loại bỏ những hành vi nguy hại đến môi trường và xã hội, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật về BVMT. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số pháp nhân vì chạy theo lợi ích kinh tế, đã thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, gây hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội, cho nền kinh tế và môi trường nhưng chỉ xử lý hình sự đối với cá nhân mà trong nhiều trường hợp việc xác định trách nhiệm cá nhân là rất khó khăn. Trong khi đó, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chỉ bị xử lý bằng các chế tài hành chính, kinh tế, dân sự sẽ không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.

 

Tôi cho rằng, cùng với hệ thống pháp luật về BVMT, Bộ luật Hình sự được ban hành sẽ phát huy vai trò tích cực, đủ sức răn đe để các doanh nghiệp, pháp nhân tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về BVMT.

 

 PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

 

Nguồn: Website Bộ TNMT.


Số lượt người xem: 2922    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm