*Hạn chế trong việc phối triển khai thực hiện các chương trình…
Hội thảo tiếp tục khẳng định biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại thế kỷ 21. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Trong đó, ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Theo các kịch bản BĐKH, vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng khoảng 75cm đến 1m so với thời kỳ 1980-1999, nếu mực nước biển dâng cao 1m và không có biện pháp phòng ngừa hiểu hiệu thì sẽ có khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh, thành ven biển bị ngập do nước biển dâng và khoảng 10 đến 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Dưới tác động của BĐKH, tần xuất, cường độ và phạm vi ảnh hưởng của thiên tai như bão, lũ, hạn hán… ngày càng gia tăng, gây tổn thất to lớn về người, tài sản ở Việt Nam…
Ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, trong những năm qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành và toàn xã hội rất quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH thông qua những chủ trương, chính sách về các chương trình trồng rừng, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề, chương trình xây dựng nông thôn mới… đã đat đươc những thành tích rất đáng tư hào, giúp cải thiện môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên nước, khoáng sản. Những chương trình lấn biển, ngăn mặn ở các tỉnh phía Nam như TP.Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau… trồng cây chắn cát, chắn sóng ven biển miền Trung ... đã cho thấy sự chỉ đạo của Chính phủ khá quyết liệt trong việc thực hiện những chương trình này, cũng như ý thức của nhân dân trước biến đổi của thiên nhiên đã được nâng lên rõ rệt, góp phần chống lại những diễn biến và tác động xấu, cực đoan của khí hậu, góp phần phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và những tác động xấu của thiên nhiên đối với con người. “Việc ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư…” - ông Phan Anh Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BĐKH được cơ quan có thẩm quyền ban hành trong thời gian vừa qua với nội dung tương đối phù hợp, có tính đến điều kiện của các vùng miền khác nhau và đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng vùng miền, tạo lập được hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế về nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH… Tuy nhiên, “Các quy định còn tản mạn thiếu đồng bộ; một số vấn đề liên quan đến ứng phó với BĐKH chưa được quan tâm đúng mức, chưa có cơ chế rõ ràng về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương; các chính sách pháp luật chưa trở thành công cụ đắc lực để điều chỉnh các hoạt động ứng phó với BĐKH; quá trình lồng ghép các vấn đề về BĐKH vào chính sách, chương trình kế hoạch và phát triển ngành vẫn còn hạn chế”- Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu nhận xét.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Cao Quốc Hưng, cho rằng: “Nhận thức về trách nhiệm, cơ hội về BĐKH còn hạn chế, chưa có quy định bắt buộc về giảm phát thải khí nhà kính. Kinh phí cho các chương trình còn thiếu, văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình còn chưa sát với thực tế, việc điều phối triển khai thực hiện các chương trình giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương và địa phương còn hạn chế…”.
*Những kiến nghị và giải pháp…
Cũng theo ông Phan Anh Dũng, Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, chủ trương của Việt Nam là phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiềm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu đề nghị phải rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, hoàn thiện theo hướng đồng bộ với chủ trương tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng chiều sâu, chất lượng và hiệu quả; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện thể chế và phát triển nguồn nhân lực; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện phân công, phân cấp hợp lý theo hướng thống nhất các đầu mối về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho công tác ứng phó với BĐKH; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp, đầu tư tài chính cho ứng phó với BĐKH. Đồng thời, phát triển các chuyên ngành khoa học về quản lý, đánh giá, giám sát và dự báo tác động của BĐKH đối với phát triển kinh tế- xã hội, sản xuất, tiêu dùng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo về ứng phó với BĐKH, đưa nội dung này vào chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên, vào hương ước các bản làng, khế ước của dòng họ…
Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đề xuất: “Cần phải tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và có cơ chế chính sách riêng, đặc thù từng lĩnh vực cụ thể cho vùng ĐBSCL, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH, tiếp tục có chính sách hỗ trợ nhà ở đối với những đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH; tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp với điều kiện với BĐKH”…