Thứ trưởng cho biết, tại kỳ họp thứ 9, QH Khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đây là một sự kiện có ý nghĩa pháp lý quan trọng khẳng định quyết tâm chính trị sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Luật đã tập trung quy định các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, nhận chìm ở biển, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển. Một số chế định quan trọng lần đầu tiên được quy định trong pháp luật Việt Nam như: Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; hành lang bảo vệ bờ biển; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo; phân vùng rủi ro, cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; cấp Giấy phép nhận chìm ở biển…
Đến nay, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ 2 dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng đã xây dựng 6 thông tư nhằm tạo bước chuyển biến đột phá trong quản lý tài nguyên và BVMT biển và hải đảo, nâng cao hiệu quả và sử dụng hợp lý tài nguyên, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Không chỉ từng bước hoàn thiện về mặt pháp lý đối với việc quản lý tài nguyên biển, hải đảo, Bộ TN&MT còn luôn sát cánh, đồng hành cùng người dân bám biển, giữ biển.
Cụ thể, Bộ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp giúp bà con ven biển ổn định đời sống và bám biển, như: Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh bảo thiên tai nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, dông lốc; triều cường xâm nhập mặn để ngư dân chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, chú trọng hỗ trợ sinh kế cho ngư dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự cố, suy thoái môi trường; kêu gọi các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong việc xử lý ô nhiễm trầm tích biển, làm sạch đáy biển.
Đồng thời, Bộ còn đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để xử lý ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là các mô hình nghiên cứu ứng dụng kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững cho cộng đồng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có hoạt động xả thải vào vùng ven biển và trên biển; kiểm soát các nguồn xả nước thải vào vùng ven biển; tiến hành xây dựng và duy trì hoạt động các trạm quan trắc và giám sát TN&MT, tai biến.
Ngoài ra, Bộ TN&MT tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) cho cộng đồng; tạo các chính sách khen thưởng, động viên phát triển các phong trào, mô hình BVMT để người dân tham gia. Công khai xử lý các tổ chức, cá nhân, DN vi phạm pháp luật về BVMT trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ nỗ lực để khẩn trương giải quyết các khó khăn trước mắt và các giải pháp lâu dài để phát triển kinh tế biển, khu vực ven biển, hải đảo nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân. Tôi mong bà con phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tiếp tục bám biển để làm giàu cho quê hương, đất nước, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc chia sẻ.
Nguồn: Website Bộ TN&MT.